Trong công tác giống lợn, việc chọn lọc nâng cao năng suất sinh sản luôn mất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn do khả năng di truyền của các tính trạng này rất thấp. Gần đây, nhiều nghiên cứu ngoài nước đã báo cáo các gen thụ thể ESR và gen FSHB có liên quan mật thiết với năng suất sinh sản ở lợn. Đối với phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction), đây là phương pháp thống kê di truyền cho phép hiệu chỉnh giá trị di truyền cộng gộp của cá thể theo các ảnh hưởng ngoại cảnh cố định như đàn giống, mùa vụ, phương thức nuôi, giới tính, lứa đẻ, hệ thống chuồng trại, quản lý, thú y và các yếu tố khác. Chính vì vậy, phương pháp BLUP dự đoán giá trị giống chính xác hơn nhiều so với các phương pháp chọn lọc kiểu hình trước đây.
Đề tài nêu trên đã tiến hành phân tích kiểu gen ESR và gen FSHB trên đàn lợn giống thuần Yorkshire và Landrace, xác định được tần số các kiểu gen ESR, FSHB và ảnh hưởng của các kiểu gen này đến năng suất sinh sản. Đồng thời, giá trị giống của từng cá thể cũng được ước tính bằng phương pháp BLUP đối với các tính trạng sinh sản trên đàn giống khảo sát.
Theo đó, khi phân tích riêng rẽ, kiểu gen BB (đối với gen ESR) và kiểu gen CC (đối với gen FSHB) có ảnh hưởng tích cực đến số con đẻ ra/ổ, số con sống/ổ và số con cai sữa/ổ so với các kiểu gen khác. Khi phân tích kết hợp hai gen ESR và FSHB, kiểu gen BB-CC có ảnh hưởng tốt nhất ở đàn Yorkshire (15,70 con đẻ ra/ổ; 14,58 con sống/ổ; 12,71 con cai sữa/ổ) và ở đàn Landrace (16,01 con đẻ ra/ổ; 13,55 con sống/ổ; 11,26 con cai sữa/ổ), tiếp sau là kiểu gen BB-CD (15,51 con đẻ ra/ổ; 13,15 con sống/ổ và 11,16 con cai sữa/ổ) và kiểu gen AB-CC (14,27 con đẻ ra/ổ và 11,27 con sống/ổ).
Qua 2 thế hệ chọn lọc kết hợp chỉ số giá trị giống SPI với kiểu gen ESR và FSHB, tính trạng số con sống/ổ và số con cai sữa/ổ có tốc độ cải thiện tốt nhất. Tương ứng ở thế hệ 1 và 2 so với thế hệ xuất phát, từ 8,1 – 9,0% đối với số con sống/ổ và 11,2 – 12,9% đối với số con cai sữa/ổ ở đàn Landrace; từ 8,9 – 9,0% đối với số con sống/ổ và 11,2 – 11,6% đối với số con cai sữa/ổ ở đàn Yorkshire.
Đề tài cũng xây dựng được quy trình chọn lọc và nhân giống dựa trên kiểu gen sinh sản ESR và gen FSHB kết hợp với chỉ số giá trị giống BLUP có thể áp dụng cho các cơ sở giống lợn. Quy trình này có thể giúp các cơ sở giống lợn rút ngắn thời gian chọn lọc, cải thiện di truyền các tính trạng sinh sản ở đàn giống thuần Yorkshire và Landrace.
Về mặt sản xuất, đề tài này đã chọn lọc và xây dựng được đàn lợn giống hạt nhân gồm giống Landrace (5 đực và 56 nái) có năng suất sinh sản cao (số con đẻ ra/ổ đạt 14,12 con; số con sống/ổ đạt 12,35 con; số con cai sữa/ổ đạt 12,01 con), giống Yorkshire (5 đực và 54 nái) cho năng suất sinh sản cao (số con đẻ ra/ổ đạt 13,67 con; số con sống/ổ đạt 12,45 con; số con cai sữa/ổ đạt 11,82 con). Đàn giống hạt nhân này sẽ tiếp tục được nhân giống và cung cấp bình quân 700 cái hậu bị và 100 đực hậu bị cấp giống ông bà cho sản xuất với giá bán chỉ tương đương 20% so với giống nhập khẩu có cùng cấp giống.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)