SpStinet - vwpChiTiet

 

Giảm lượng thức ăn khi nuôi kết hợp cá rô phi và rong câu.

Là mục tiêu chính trong nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các chế độ cho ăn khác nhau đến chất lượng nước và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá rô phi khi nuôi kết hợp với rong câu của nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Phát Đạt, Trần Ngọc Hải (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ). Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 11/2017.

Cá rô phi (Oreochromis niloticus) là loài cá thông dụng trong bữa ăn hàng ngày, có giá trị thương phẩm cao, lớn nhanh, dễ nuôi và chống chịu tốt với các môi trường khắc nghiệt. Đây là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu là rong tảo và mùn bã hữu cơ với nhu cầu đạm thấp (25–35%). Trong khi đó, rong câu (Gracilaria sp.) được xem như một trong những loài rong biển kinh tế và là thức ăn tốt cho các loài cá có tính ăn thiên về thực vật như cá rô phi, đồng thời có vai trò lọc sinh học giúp cải thiện môi trường nước.

Thức ăn viên chuyên dùng cho cá rô phi hiệu Grobest và rong câu được thuần dưỡng ở độ mặn 10% thu từ ao nuôi tôm quảng canh cải tiến ở tỉnh Cà Mau được chọn làm thức ăn cho cá rô phi trong thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nuôi cá rô phi kết hợp với rong câu và lượng thức ăn lần lượt giảm dần ở mức 70, 50 và 25% so với lượng thức ăn ở bể đối chứng (không có rong câu và cho ăn theo nhu cầu). Thí nghiệm được bố trí dưới mái che nilong trong, sục khí nhẹ và liên tục. Cá được nuôi ở nước có độ mặn 10%, mật độ 20 con/bể 80 lít, rong câu tươi 200g/bể, cho ăn 2 lần/ngày và thời gian nuôi là 56 ngày.

Kết quả cho thấy khi giảm lượng thức ăn càng nhiều thì hàm lượng TAN (NH4+/NH3) và NO2- trong bể nuôi càng ít và tỷ lệ sống của cá rô phi (khoảng 95 – 100%) cũng không khác nhau ở mỗi mức thức ăn. Đồng thời, khi cho ăn lượng thức ăn chỉ bằng 75% lượng thức ăn đối chứng thì cá có tốc độ tăng trưởng tương đương với cá ở bể đối chứng, do đó, chi phí thức ăn viên có thể giảm 24,7%.

Các nhà nghiên cứu đề nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu trong ao đất để đánh giá hiệu quả tài chính và khuyến khích nông hộ sử dụng nguồn rong câu có sẵn tại địa phương.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả