Ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát đến độ ổn định của bờ sông, đoạn hạ lưu cầu Mỹ Thuận
04/11/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Lieou Kiến Chính (Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường), Trần Thị Kim (ĐH Tài nguyên & Môi trường), Nguyễn Kỳ Phùng (Sở KH&CN TP.HCM) và Nguyễn Thị Bảy (ĐH Bách Khoa TP.HCM) đã trình bày ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát đến độ ổn định bờ sông Cổ Chiên, sông Tiền đoạn hạ lưu cầu Mỹ Thuận bằng mô hình toán.
Hạ lưu cầu Mỹ Thuận là đoạn sông phân nhánh gồm nhánh sông Tiền và sông Cổ Chiên, có chế độ dòng chảy phức tạp, không chỉ chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy thượng nguồn, thủy triều biển Đông, hình thái sông phân nhánh mà còn chịu tác động không nhỏ từ các hoạt động của con người như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, khai thác cát... Tác động của nhiều yếu tố khác nhau lên đoạn sông gây nên diễn biến phức tạp và khó kiểm soát như xói lở bờ nhánh phải (sông Cổ Chiên) đoạn chảy qua Vĩnh Long, bồi lắng lòng dẫn nhánh trái (sông Tiền) đoạn chảy qua địa phận Tiền Giang. Do đó, việc xem xét ảnh hưởng của các yếu tố khách quan và chủ quan đến chế độ thủy động lực, diễn biến lòng dẫn và độ ổn định của bờ sông sẽ giúp hạn chế những diễn biến bất lợi đang xảy ra cho đoạn sông này.
Nhóm tác giả đã sử dụng mô hình toán Mike 21 để tính toán dòng chảy và chuyển tải phù sa, sau đó kết hợp với phần mềm Geo-Slope để đánh giá độ ổn định của bờ sông cho 3 kịch bản: không khai thác cát, khai thác đúng quy định và khai thác sai quy định. Kết quả phân tích cho thấy hoạt động khai thác cát có những tác động tích cực và tiêu cực khác nhau. Nếu khai thác đúng sẽ có tác dụng khơi thông dòng chảy, góp phần giảm thiểu sạt lở bờ. Ngược lại sẽ gây ra những vấn đề biến đổi thủy lực khó lường dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ.
Cụ thể, theo tính toán, việc khai thác cát trên sông Cổ Chiên không có lợi cho việc giảm thiểu sạt lở ở khu vực này, đặc biệt là khu vực kè Cổ Chiên đang thi công và sẽ được hoàn thành trong thời gian tới. Trong khi đó, khai thác cát đúng quy định tại khu vực sông Tiền (xã An Bình) lại mang lại kết quả tốt, giúp khơi thông dòng chảy và làm cho địa hình đáy trở về hình dạng ban đầu.
TN (nguồn: TC Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, số 16-2014)