SpStinet - vwpChiTiet

 

Con giống tốt tăng hiệu quả chăn nuôi

Với việc chuyển giao giống heo có năng suất tốt, phù hợp điều kiện chăn nuôi của Việt Nam cùng những kỹ thuật tiên tiến, người dân ở Củ Chi đã tăng được năng suất chăn nuôi 10%, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Đây là kết quả của dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo có nguồn gốc Đan Mạch tại TP.HCM”, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ kinh phí thực hiện

Chuyển giao con giống năng suất tốt đến người chăn nuôi

Dự án nêu trên do Phân viện Chăn nuôi Nam bộ thực hiện trong thời gian 7 tháng, được hỗ trợ kinh phí từ chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025” của Sở KH&CN TP.HCM. Mô hình được triển khai tại Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (xã An Phú, huyện Củ Chi).

Theo ThS. Phạm Ngọc Trung (chủ nhiệm dự án), hiện nay, các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước đã áp dụng khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn, thú y,… khá tốt. Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn chưa tương xứng, vì vậy những năm gần đây giống heo Đan Mạch được chú trọng đưa về Việt Nam nhằm tăng chất lượng đàn giống trong nước. Song, giá thành của heo thuần Đan Mạch rất cao, đồng thời bản chất của giống heo này sống ở vùng ôn đới, khi nhập về Việt Nam với khí hậu nhiệt đới cần có thời gian thích nghi.

Nước ta đã có một số cơ sở giống tiến hành lai tạo heo giống có nguồn gốc Đan Mạch với một số heo có nguồn gốc từ các nước khác như Mỹ, Canada,… nhằm khai thác tối đa năng suất của heo giống thuần Đan Mạch cũng như tận dụng được đặc điểm thích nghi của các giống heo đã được nhập về trước đó. Các tổ hợp lai giữa các giống heo này đã cho năng suất tốt, đặc biệt là khả năng sinh sản. Trong đó, đề tài cấp bộ “Nghiên cứu tạo các tổ hợp lai giữa lợn nái Landrace và Yorkshire nhập khẩu từ Đan Mạch với một số lợn đực giống ngoại trong nước” đã tạo ra tổ hợp lai heo Landrace x Yorkshire có nguồn gốc Đan Mạch cho năng suất cao.

Kế thừa đề tài, để góp phần đẩy mạnh công tác chuyển giao các nguồn gen tốt của giống heo Đan Mạch này ra thị trường, nhóm dự án đã chuyển giao 32 heo giống hậu bị Landrace x Yorkshire có năng suất cao cho hộ chăn nuôi ở Hợp tác xã Tiên Phong, đồng thời xây dựng 4 mô hình chăn nuôi theo kỹ thuật tiên tiến tại các hộ dân thuộc Hợp tác xã Tiên Phong. Heo giống được chuyển giao là heo giống Landrace lai với heo Yorkshire, trong đó máu Đan Mạch chiếm khoảng 50 - 75%, phần còn lại là tỷ lệ của những nguồn gốc khác như Mỹ, Canada đã có sẵn trong nước và thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi Việt Nam. Điểm nổi bật của giống heo này là khả năng sản xuất cao, đặc biệt là khả năng sinh sản; giá thành thấp (8 triệu đồng/con, nặng từ 80 - 100 kg, so với heo thuần Đan Mạch giá 60 triệu đồng/con, nặng 40 kg).

Với việc xây dựng 4 mô hình, nhóm dự án đã điều chỉnh chuồng nuôi để phù hợp với đặc tính của heo Đan Mạch và tạo môi trường sống tối ưu cho đàn heo. Cụ thể, chuồng trại có hệ thống thông gió, làm mát, đủ ánh sáng; duy trì tốt tiểu khí hậu chuồng nuôi (nhiệt độ 24 – 270C, ẩm độ 70 – 75%, tốc độ gió 1,5 – 2m/s); chăm sóc và nuôi dưỡng (cung cấp đầy đủ thức ăn cho heo: bổ sung cám đúng khẩu phần, đúng loại cám, đúng thể trạng và lứa của heo, cám không bị mốc, vệ sinh máng ăn sạch sẽ, bảo quản thức ăn đúng quy trình kỹ thuật); đảm bảo đầy đủ nhu cầu nước uống cho heo (12 - 15 lít/con/ngày, chất lượng và áp lực nước 1,5 – 2 lít/phút, heo uống nước bằng núm tự động, độ cao núm uống 70 - 90 cm, nước uống không nhiễm các loại vi khuẩn như E.coli, Salmonella, Coliform,…); vệ sinh heo và chuồng trại (định kỳ phun sát trùng trên heo - Omnicide 1/3200, định kỳ phun sát trùng xung quanh trại 2 tuần/lần - Omnicide 1/400).

Bên cạnh đó, nhóm dự án cũng tiến hành những kỹ thuật nuôi thích nghi heo ở 4 mô hình gồm tạo miễn dịch bằng vaccine; xây dựng khẩu phần ăn cho heo; phối giống heo; điều trị heo chậm lên giống; xác định heo đậu thai; chọn lọc và truy xuất nguồn gốc của heo (bao gồm ngày sinh, giống, mã số bố, mã số mẹ, giá trị giống ước tính);… Ngoài ra dự án đã tổ chức tập huấn cho 60 hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận kiến thức về giống heo năng suất cao.

Tăng hiệu quả chăn nuôi

Việc triển khai 4 mô hình chăn nuôi heo tiên tiến (8 heo/mô hình) tại các hộ dân ở xã An Nhơn Tây, xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) cho thấy, năng suất của giống heo có nguồn gốc Đan Mạch cao hơn so với các giống hiện tại 10%, chất lượng cũng được nâng lên và tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Ngọc Trung cho biết, việc tăng năng suất chăn nuôi 10% dựa vào chỉ tiêu là số con đẻ ra/ổ, số con sơ sinh sống/ổ và số con cai sữa/ổ. Thực tế ở các trại chăn nuôi trước đây, số heo con đẻ ra/ổ đạt từ 10 - 10,5 con/ổ, khi áp dụng mô hình, số heo con đẻ ra/ổ đạt 13,5 - 14 con/ổ, vì vậy số con cai sữa tăng từ 1-2 con/ổ. So với các giống heo khác, khi áp dụng mô hình, số heo con đẻ ra/ổ tăng khoảng 15%, số con đẻ ra còn sống/ổ tăng 10 - 12%. Các chỉ tiêu kỹ thuật khác cũng đạt yêu cầu như: khối lượng heo hậu bị (≥ 80kg); số vú (≥ 14 vú); tỷ lệ lên giống (≥ 87%); tỷ lệ phối giống đậu thai (≥ 87%);... Nhờ vậy, người dân tăng được hiệu quả chăn nuôi và tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, khi áp dụng mô hình, người chăn nuôi đã tiếp cận được con giống năng suất cao hơn, trình độ hiểu biết, kỹ thuật chăn nuôi heo được cải thiện đáng kể. Người dân đã biết cách quản lý, chăm sóc, chú trọng chế độ dinh dưỡng hơn để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi heo. Dự án này cũng góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật của địa phương và người chăn nuôi.

Đây là thành công bước đầu trong việc triển khai đàn heo giống năng suất cao đến người chăn nuôi tại TP.HCM. Với những đặc điểm của tốt của giống cùng sự am hiểu về kỹ thuật chăn nuôi của người dân sau quá trình triển khai dự án tại Hợp tác xã Tiên Phong, mô hình chuyển giao này có thể nhân rộng đến người chăn nuôi không chỉ ở TP.HCM mà còn cho cả khu vực miền Nam.

TP.HCM đã có Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 về việc quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đến năm 2020 và định hướng đến 2025 nêu rõ mục tiêu là tăng tỷ lệ phát triển đàn heo nái, hình thành các trại giống hạt nhân; nhập khẩu giống, các dòng tinh chất lượng cao và công nghệ mới để chọn tạo và nâng cao chất lượng con giống; tiếp tục là trung tâm cung cấp giống chất lượng cao cho cả nước. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình chuyển giao con giống năng suất cao, phù hợp điều kiện chăn nuôi Việt Nam như trên là rất cần thiết.

Theo ông Trung, để triển khai thành công, dự án cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người chăn nuôi; có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, đơn vị thực hiện dự án và người thụ hưởng. Đồng thời nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, người dân đối ứng một phần thì khả năng nhân rộng mô hình sẽ thuận lợi hơn. Dự án triển khai tại Hợp tác xã Tiên Phong có tổng kinh phí là 470 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (thông qua Sở KH&CN TP.HCM) là 300 triệu đồng, kinh phí đối ứng 170 triệu đồng.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả