Nghiên cứu chế tạo hỗn hợp nhựa/cao su lưu hóa trên cơ sở cao su thiên nhiên và polyetylen
06/12/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Trần Phú Thành, Võ Trí Nhật, Nguyễn Thái Hòa, Võ Hữu Thảo (Khoa Công nghệ vật liệu, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) thực hiện nhằm tạo ra một loại cao su nhiệt dẻo đi từ cao su thiên nhiên (NR) và hỗn hợp nhựa polyetylen (LDPE) với pha cao su được tạo liên kết ngang để cải thiện tính chất cơ lý và khảo sát các tính năng gia công, hình thái học tương ứng. Hỗn hợp nhựa polyetylen/cao su thiên nhiên (LDPE/NR) sử dụng hệ lưu hóa lưu huỳnh đã được nghiên cứu chế tạo với các tỉ lệ LDPE/NR 40/60, 50/50 và 60/40. Quá trình tạo hỗn hợp LDPE/NR được tiến hành trên máy trộn kín Internal Mixer MX500 – D75L90, thực hiện phương pháp lưu hóa động cho pha cao su ở 140
0C, tốc độ rotor 60 rpm.
Kết quả cho thấy, khi trộn hỗn hợp NR/LDPE sử dụng hệ lưu hóa lưu huỳnh đã cải thiện được độ bền kháng đứt so với hỗn hợp không sử dụng hệ lưu hóa. Các tính chất cơ lý cũng được khảo sát như kéo đứt, kháng xé, độ bền va đập, độ cứng và độ biến dạng nén. Độ cứng Shore A, độ kháng xé tăng theo chiều tăng của hàm lượng LDPE, có thể ứng dụng cho các sản phẩm kháng xé. Độ bền kéo và độ bền va đập tăng theo chiều tăng
của hàm hượng cao su, ứng dụng trong các sản phẩm chịu va đập và đàn hồi. Chỉ số chảy của hỗn hợp giảm khi có mặt cao su nhưng vẫn có thể gia công theo phương pháp thích hợp như đúc ép.
Khi pha cao su trong hỗn hợp nhựa/cao su được lưu hóa, các tính năng cơ lý của cao su được tăng cường, do đó mang lại cho hỗn hợp lưu hóa này những tính năng đặc biệt hơn, đáp ứng được nhiều yêu cầu ứng dụng hơn.
LV (nguồn: Hội nghị Khoa học trẻ ĐHQG-HCM lần 1)