Đánh giá hiệu quả lọc máu chu kỳ bằng hiệu suất lọc urê, créatinine, acide uric và chỉ số Kt/V
08/05/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Võ Tam, Hoàng Bùi Bảo (Trường ĐH Y dược Huế) thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả lọc máu chu kỳ qua các thông số hiệu suất lọc các chất urê, créatinin, acide uric, chỉ số Kt/V; tìm hiểu sự khác biệt của hiệu suất lọc các chất, chỉ số Kt/V theo tuổi, giới và thời gian lọc máu của bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
Nghiên cứu tiến hành với 44 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn III, IV nhập viện điều trị ở Khoa Nội thận – thận nhân tạo, Bệnh viện Trung ương Huế, được lọc máu chu kỳ bằng thận nhân tạo, thời gian từ tháng 6/2006-3/2008.
Kết quả cho thấy, lọc máu chu kỳ bằng thận nhân tạo giúp đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể với hiệu suất lọc tuần tự là: hiệu suất lọc acide uric (PRAU) 52,7 ± 17,5%, hiệu suất lọc urê (PRU) 51,9 ± 13,4%, hiệu suất lọc créatinin (PRC) 46,6 ± 9,8%. Chỉ số Kt/V của một lần lọc máu là 0,967 ± 0,407, đạt xấp xỉ với tiêu chuẩn của các Hiệp hội thận học Hoa Kỳ và châu Âu đề ra. Những nguyên nhân góp phần vào hiệu suất lọc các chất urê, créatinin, acide uric và chỉ số Kt/V chưa cao là: thời gian lọc chưa đủ của một lần lọc máu, tái sử dụng màng lọc và cung lượng rút máu chưa cao. Hiệu suất lọc các chất urê, créatinin, acide uric và chỉ số Kt/V không khác biệt về các yếu tố tuổi, giới, thời gian đã lọc máu ở bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, 7/2008)