Nghiên cứu làm gạch không nung từ giấy phế liệu
13/04/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Sinh viên Nguyễn Cao Hoàng Sang (ngành Xây dựng, ĐH Kiến trúc TP.HCM) đã chế tạo thành công gạch không nung làm từ giấy phế thải. Đề tài đã đoạt giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2014 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Hoàng Sang cho biết, để thực hiện nghiên cứu này, bạn đã đi gom giấy phế liệu từ nhiều nơi đem về xay nhỏ và trộn với cát, xi măng để tạo thành hỗn hợp bê tông đúc gạch. Hai thành phần chính tạo thành gạch không nung này là chất kết dính và cốt liệu; trong đó chất kết dính gồm xi măng và nước, còn cốt liệu là bột giấy và cát. Tùy vào mục đích sử dụng mà thay đổi tỷ lệ cấp phối để tạo ra sản phẩm gạch không nung như mong muốn.
Kết quả là Sang đã tạo ra được gạch chịu được 35 kg lực để xây vách ngăn trong nhà (thay thế cho gạch nung đất sét truyền thống bốn lỗ), và gạch chịu được 75 kg lực dùng để xây dựng bao che bên ngoài (thay thế cho loại gạch thẻ hai lỗ, làm từ đất sét nung, đang sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng công trình cao tầng hiện nay).
Theo Hoàng Sang, gạch không nung làm từ giấy phế liệu có quy trình sản xuất đơn giản, có thể ứng dụng cho các xưởng sản xuất gạch nhỏ, vốn đầu tư ban đầu thấp. Loại gạch này thân thiện với môi trường, đảm bảo khả năng chịu lực, cách âm, cách nhiệt rất tốt. Nếu đề tài được áp dụng sản xuất vào thực tế thì giá mỗi viên gạch không nung từ giấy phế liệu khoảng 6.000 đồng. Ngoài ra, khi đưa vào sản xuất đại trà, gạch từ giấy phế liệu còn tận dụng được mùn thải ở các nhà máy giấy, giảm được nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao.
Nguồn: Khoa học Phổ thông