Đây là đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Thành công của đề tài đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ các bệnh lý liên quan đến xương khớp, đồng thời, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi, nâng cao thu nhập của người nông dân.
|
Buổi họp nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu Glucosamine và Chondroitin sulphate từ phụ phẩm quá trình chế biến gia cầm” |
Báo cáo tại buổi nghiệm thu đề tài, TS. Đặng Trần Hoàng - Chủ nhiệm đề tài - cho biết: Ở Việt Nam, người trên 40 tuổi có tần suất thoái hóa khớp trung bình là 66% và khoảng 23-29% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi có triệu chứng loãng xương. Thậm chí, theo số liệu báo cáo gần đây, ở Việt Nam cứ 100 người thì có 10,41 người bị bệnh về xương khớp và có tới 30% trong số người bệnh bị viêm khớp dạng thấp.
Do vậy nhu cầu sử dụng Chondroitin sulfate (CS) và Glucosamine (GS) và các sản phẩm giàu CS, GS để tăng cường sức khỏe xương khớp của của người dân Việt Nam là rất lớn. “Hàng năm, theo ước tính của Bộ Y tế, nước ta phải bỏ ra hàng triệu USD để nhập khẩu các loại thuốc điều trị bệnh xương khớp, trong đó có rất nhiều các sản phẩm chứa CS và GS” - TS. Đặng Trần Hoàng nhấn mạnh.
Chia sẻ cụ thể về tác dụng của CS và GS, TS. Đặng Trần Hoàng cho hay: CS và GS là những hoạt chất hỗ trợ hình thành mô liên kết xương, giảm mất canxi. Trong đó, CS giúp duy trì khả năng chịu nén của sụn, cải thiện chức năng và khả năng vận động của khớp, cũng như làm giảm sự tiến triển của viêm khớp và giảm đau khớp. Ngoài ra, CS còn kích thích tổng hợp collagen và proteoglycan và các thành phần cơ bản của sụn mới.
Còn GS là tiền chất trong sản xuất sụn, màng nhầy và dịch khớp. Do đó, chúng được sử dụng để điều trị hoặc làm giảm các triệu chứng viêm xương khớp. Bên cạnh việc được tổng hợp trong cơ thể, CS có thể được tìm thấy nhiều trong sụn vây cá mập, sụn gà, sụn chân gà. Đối với GS lại chủ yếu được sản xuất công nghiệp từ chitin, chitosan hoặc polysacarit - là các loại nguyên liệu sẵn có trong vỏ cứng của động vật giáp xác như tôm, cua, mực, chân gà...
Khẳng định ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu thu nhận CS và GS còn rất mới và chưa có công ty nào sản xuất hai chế phẩm này, TS. Đặng Trần Hoàng nhận định: Hiện nay, mới chỉ có rất ít các sản phẩm giàu GS và CS cho người mắc bệnh xương khớp được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, các hướng nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ phẩm của quá trình chế biến gia cầm có thể trở thành một nguyên liệu rẻ tiền cho quá trình sản xuất CS, GS nhằm thay thế cho các loại nguyên liệu truyền thống quý hiếm và đắt tiền từ sụn cá mập hoặc sụn cá sấu.
|
Sản phẩm thực phẩm chức năng được tạo ra từ đề tài nghiên cứu |
“Ước tính đến năm 2020, số lượng gia cầm tăng lên khoảng 397,9 triệu con. Nguồn phụ phẩm sau quá trình giết mổ, sản xuất thịt như xương, sụn, đặc biệt là chân gà là rất lớn. Đây sẽ là một nguồn nguyên liệu phong phú cho ngành công nghiệp sản xuất CS và GS” - TS. Đặng Trần Hoàng nói, đồng thời bày tỏ, việc triển khai đề tài có ý nghĩa khoa học và nhiều triển vọng ứng dụng để tạo ra các thực phẩm chức năng có giá trị hàng hóa cao, có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Đến nay, qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã tiêu chuẩn hóa được nguồn nguyên liệu chân gà cho sản xuất các chế phẩm CS và GS. Bên cạnh đó, đã xác định được các điều kiện thích hợp cho quá trình xử lý, thủy phân, tinh sạch và thu hồi chế phẩm CS, GS; xây dựng được 2 quy trình công nghệ và 2 mô hình sản xuất chế phẩm CS có độ tinh khiết 40% và GS có độ tinh khiết 60% từ chân gà quy mô 200 kg nguyên liệu/mẻ.
Đặc biệt, đã sản xuất thử nghiệm được 211,8 kg chế phẩm CS có độ tinh khiết 40% và 205,9 kg GS có độ tinh khiết 60%. Các chế phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và có các chi tiêu an toàn thực phẩm đáp ứng quy định hiện hành. Đồng thời, đã xây dựng được 2 quy trình công nghệ ứng dụng chế phẩm CS và GS trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 20.228 chai đồ uống Bone Extra Sol và 303.944 viên nang Bone Care Aktiy có chứa hoạt chất CS và GS. Các sản phẩm đều đã được xây dựng cơ sở và công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.
Tại buổi nghiệm thu, các chuyên gia đánh giá sản phẩm của đề tài nằm trong số ít các thực phẩm chức năng có chứa cả CS và GS hàm lượng tiêu chuẩn được sản xuất hoàn toàn từ công nghệ được nghiên cứu trong nước và được sản xuất tại Việt Nam. Đây là đề tài đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu bài bản và tạo được các chế phẩm CS và GS từ phụ phẩm chế biến gia cầm, mở ra hướng sản xuất mới cho lĩnh vực điều chế thực phẩm chức năng có CS và GS; giảm áp lực nhập khẩu các nguyên liệu này; đồng thời giúp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước.
Trong ngành sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng, CS và GS là hai thành phần quan trọng được sử dụng phổ biến nhằm hỗ trợ điều trị, cải thiện chức năng cho người mắc và có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp. Việc sản xuất chế phẩm và thực phẩm chức năng giàu GS và CS ở trong nước đã tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập do nguyên liệu chủ động trong nước, nhân công hợp lý, công nghệ đảm bảo tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Nguồn: Quỳnh Nga - congthuong.vn