Sản xuất ngô trên đất dốc theo hướng bền vững và hiệu quả
22/09/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Lê Quốc Doanh, ThS. Nguyễn Quang Tin (Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) thực hiện nhằm đánh giá vai trò của các vật liệu và liều lượng che phủ khác nhau tới sinh trưởng, phát triển của ngô trên đất dốc và mức độ hạn chế xói mòn đất.
Nghiên cứu tiến hành với giống ngô lai LVN10 (giống phổ biến ở địa phương); vật liệu che phủ là thân lá ngô, rơm rạ, thân lá các loài cỏ tự nhiên; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; các vật dụng khác… Thời gian là vụ ngô xuân hè 2005-2007 tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Theo đó, canh tác trên đất dốc ở miền núi phía Bắc nói chung còn nhiều bất cập, kiểu canh tác truyền thống đốt nương, dọn sạch đã làm xói mòn đất rất lớn (46,6 tấn/vụ ngô đầu) và đất bị suy thoái nghiêm trọng. Trên đất dốc, nếu đất càng được cày bừa kỹ và càng được dọn sạch thì lượng đất bị xói mòn càng nhiều và độ phì suy thoái nhanh. Che phủ đất bằng xác thực vật có tác dụng tích cực đối với sinh trưởng phát triển của ngô (tăng chiều cao cây, tăng chỉ số diện tích lá, hoàn thành sớm giai đoạn sinh dưỡng…) và tăng năng suất ngô từ 8,9% - 54,41%. Che phủ đất dốc bằng xác hữu cơ có tác dụng rõ rệt đến hạn chế xói mòn rửa trôi (giảm 18,9% - 94,8% lượng đất bị xói mòn so với đối chứng) và cải thiện độ phì đất (tăng độ pH trung bình là 0,52 đơn vị, giảm độc nhôm tới 71,48%, tăng hàm lượng mùn 7,36%, tăng dung tích hấp thu 22,45% và tăng các chất dinh dưỡng khác trong đất sau một vụ sản xuất). Cỏ Lào và rơm rạ là hai loại vật liệu che phủ cho hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên nếu không quan tâm thu gom bảo quản thì sẽ không dễ có. Trong trường hợp như vậy, tùy từng địa phương có thể sử dụng các loại vật liệu khác như thân ngô, xác cỏ dại hoặc vật liệu hỗn hợp để che phủ. Các mức độ phủ cũng cho hiệu quả khác nhau, lượng phủ 10 tấn/ha cho năng suất cao nhất. Tuy nhiên trong trường hợp hiếm vật liệu có thể phủ ở lượng 7 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế mang lại từ biện pháp kỹ thuật này cũng rất lớn, tăng thu nhập cho người dân từ 782.000 đ/ha – 1.245.000 đ/ha tùy từng loại vật liệu và mức độ che phủ. Đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho phụ nữ và trẻ em khỏi những lao động nặng nhọc như làm đất, làm cỏ (giảm 33,3-91,7% công làm cỏ so với đối chứng).
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 10/2008)