Chúng ta đã hiểu đúng về đổi mới sáng tạo? chúng ta đã có được những chính sách phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo? Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo chuyên đề quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo do Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì, diễn ra tại Bộ KH&CN vào chiều ngày 19/3/2021, như một cách nhìn nhận và đánh giá lại nội hàm đổi mới sáng tạo và vai trò của quản lý khoa học trong đổi mới sáng tạo như nhận xét của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt.
Abivin là một startup đưa ra những giải pháp tối ưu về logistics nhưng không có nhiều startup thành công như vậy ở Việt Nam. Nguồn: TECHFEST
Hiểu đúng về đổi mới sáng tạo
Những câu hỏi này gợi mở rất nhiều suy nghĩ về các hoạt động đổi mới sáng tạo đang diễn ra tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, việc hiểu theo nghĩa hẹp đổi mới sáng tạo là những kết quả trực tiếp tạo ra từ hoạt động R&D ở các quốc gia dẫn đầu chưa phù hợp với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. “Ở nghĩa rộng hơn, người ta coi tính mới ở nghĩa tương đối, có thể không mới so với thế giới nhưng miễn là mới ở Việt Nam hoặc mới ở doanh nghiệp. Khi đó, thực hiện đổi mới sáng tạo có thể còn là việc áp dụng các mô hình quản lý mới cho doanh nghiệp của mình”, ông nói.
Với lăng kính rộng này, các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ được trải nghiệm trên một phạm vi lớn hơn và đa dạng hơn, “không chỉ thuần túy là một quy trình từ nghiên cứu, phát triển ra công nghệ, sáng chế rồi đem áp dụng vào quá trình quản lý hay sản xuất mà có thể là việc áp dụng những cái đã có ở các quốc gia khác, chưa từng áp dụng ở Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Mặt khác, cách hiểu đổi mới sáng tạo trên một phạm vi rộng hơn sẽ tác động trực tiếp đến việc xây dựng các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và những bên hưởng thụ chính sách. Do hiểu đổi mới sáng tạo theo nghĩa hẹp nên mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà Việt Nam vẫn áp dụng là mô hình tuyến tính, bám sát từng bước của quy trình làm ra công nghệ mới, tức là bao gồm cả các hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng để tạo ra sản phẩm có thể chuyển giao cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, ở các quốc gia phát triển và có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động đổi mới sáng tạo trên thế giới, nhiều mô hình chính sách đã được áp dụng một cách linh hoạt tùy theo bối cảnh xã hội, trình độ quản lý, sản xuất… Một trong số đó là mô hình đối mới sáng tạo mở hỗn hợp. Ưu điểm của mô hình này là tạo ra các trung tâm đổi mới sáng tạo có thể triển khai đồng thời cả hoạt động đầu tư mạo hiểm, R&D, thương mại hóa sản phẩm… Nhờ vậy mà khi đặt một bài toán, các nhà nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng có thể cùng ngồi lại với nhau theo cách “thực hiện đến đâu, đầu tư mạo hiểm đến đấy”. Triển khai đổi mới sáng tạo theo cách này có thể tận dụng được nguồn chất xám ở rất nhiều khía cạnh chuyên môn, nhiều lĩnh vực công tư để cùng tham gia giải quyết trọn vẹn một bài toán, một vấn đề.
Việc tháo gỡ những điểm nghẽn trên con đường đổi mới sáng tạo ở Việt Nam sẽ còn phụ thuộc vào sự thay đổi về cơ chế chính sách và cả quan điểm trong quản lý về đổi mới sáng tạo.
|
Như vậy, mô hình mà Việt Nam áp dụng chưa làm được điều như với mô hình của nhiều quốc gia khác, không chỉ ở chỗ chưa kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường mà còn ở những chính sách xung quanh mô hình đó. Ví dụ “nếu xác định cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ nguồn cầu thì cần tập trung vào việc tạo ra các cơ chế thị trường cho doanh nghiệp, tạo ra các hành lang chính sách mua sắm công để họ tập trung thực hiện đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận xét.
Hiệu quả đã được chứng thực như chương trình mua sắm công mà châu Âu và nhiều quốc gia đã áp dụng theo cách này tạo ra nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo công nghệ hơn so với đầu tư mạo hiểm. “Chương trình mua sắm công mà họ thực hiện từ những năm 1980 có triết lý là đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ vào quá trình phát triển đất nước bằng ngân sách nhà nước. Nhờ vậy mà các chính phủ đó có những giải pháp sáng tạo mà trên thị trường chưa có, thông qua quá trình cạnh tranh lành mạnh”, bà Trần Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) – một trong những người phụ trách chương trình IPP, nói.
Điểm nghẽn nằm ở đâu?
Trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, việc hiểu theo nghĩa hẹp và có phần đơn giản như vậy khiến các chính sách ưu đãi và khuyến khích đổi mới sáng tạo chưa thật sự điểm trúng các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tới 96% số lượng doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, theo lý thuyết thì Việt Nam có thể tận dụng được thành tựu của quốc gia đi trước để thực hiện đổi mới sáng tạo nhưng trên thực tế thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không làm được điều đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề cập đến thông tin từ buổi làm việc với Worldbank về tình hình đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Nghịch lý này cho thấy, để tiếp thu được công nghệ và đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp này cần được đầu tư nâng cao năng lực hấp thụ ở một mức độ nhất định trước đó. “Chính sách của chúng ta chưa chạm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Worldbank, với cách làm chúng ta áp dụng hiện nay thì doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, chúng ta mới đưa ra mục tiêu còn cách vận hành hiện nay thì chưa thuận lợi cho doanh nghiệp, chưa có cơ chế khuyến khích một cách thực sự cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo”.
Việc thực hiện chính sách theo kiểu nhắm đích đến các doanh nghiệp lớn được ví von là “sếu đầu đàn” để tạo đà kéo cả đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ phía sau không thật sự hiệu quả. Là người tham gia thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), “hầu như hiện nay chưa có doanh nghiệp, tập đoàn lớn của chúng ta được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”. Do đó, chính sách cần hướng đến đối tượng này thông qua việc “đào tạo họ, đưa cho họ những công cụ để họ hấp thụ và chuyển sang đổi mới công nghệ”.
Do khái niệm về đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rất rộng nên việc “đổ dồn” chính sách vào một đối tượng thụ hưởng như doanh nghiệp cũng không thể giải quyết vấn đề. Cũng giống như câu trả lời của PGS. TS Nguyễn Ái Việt (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN) trước câu hỏi của giáo sư Phạm Thành Huy trong cuộc tọa đàm về phát triển vật lý ở ĐH Phenikaa vào tháng 9/2020 “khi có bài toán rồi, có doanh nghiệp sẵn sàng chìa tay thì điểm nghẽn nằm ở đâu?” - “điểm nghẽn ở chính hệ sinh thái không đầy đủ”, nhận xét của Worldbank cũng là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ và còn rời rạc. Điều này thể hiện rõ nét ở tương tác của doanh nghiệp và trường viện vẫn còn ở mức thấp và trường viện mới đóng vai trò hỗ trợ chứ chưa dẫn dắt đổi mới sáng tạo, các thể chế thì yếu và thiếu…
Vì sao có sự thiếu đầy đủ và rời rạc này? Từ kết quả điều tra, khảo sát thị trường KH&CN, ông Phạm Hồng Quất đã nêu một số tồn tại, trong đó có việc “hiện nay, 538 doanh nghiệp được chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN nhưng họ lại chưa có cơ chế tiếp nhận kết quả nghiên cứu của khu vực công lập và đấy là rào cản bởi thứ nhất, kết quả nghiên cứu tạo ra cũng chỉ ‘sẵn sàng’ ở một mức độ nhất định, thứ hai rất khó giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu từ viện trường”.
Bản thân việc khai thác nguồn nhân lực của viện trường cho doanh nghiệp cũng không dễ. “Chúng ta chưa có cơ chế hỗ trợ, chúng ta mới chỉ nghiệm thu xong kết quả còn những người chủ nhiệm chương trình tự phải đi tìm doanh nghiệp chuyển giao. Nếu doanh nghiệp muốn mời đến để chuyển giao tri thức và kỹ năng hỗ trợ thì không có cơ chế nào cho làm việc đó, không có kinh phí làm hậu chuyển giao (giai đoạn tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để doanh nghiệp có thể tiếp nhận thành công công nghệ), ngay cả thực hiện chương trình phát triển thị trường thì [chúng tôi] cũng không có điều kiện để hỗ trợ công đoạn hậu chuyển giao này”, lời chia sẻ về một điểm nghẽn nữa của ông Phạm Hồng Quất góp phần lý giải tại sao nhiều công nghệ mới, nhiều giải pháp và mô hình nhiều hứa hẹn chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường viện - nên thường bị người ngoài nhắc đến có phần giễu cợt là “đề tài cất ngăn kéo”.
Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng Quất cũng thừa nhận, nhiều yếu tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam vẫn còn hoạt động chưa đạt hiệu quả, từ các tổ chức trung gian như trung tâm chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ… đến các quỹ phát triển KH&CN ở địa phương. Nguyên nhân là vì đến khi triển khai thì “cái gì cũng vướng, không có cơ chế cụ thể để thực thi”.
Có lẽ, đây cũng là lý do mà vì sao, dự án FIRST, nơi kỳ vọng đem lại một cơ chế mới nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống đổi mới quốc gia giữa ba chủ thể là cơ quan nhà nước, nơi xây dựng những cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo động lực kết nối, và các viện, trường, nơi tạo ra tri thức, và các doanh nghiệp, nơi sử dụng trí thức, lại chưa có sức mạnh lan tỏa. Giữa ba chủ thể này còn thiếu đi sự liên kết mật thiết do thiếu thông tin – thông tin thị trường, thông tin dự báo, thông tin về chuyên gia, thông tin về công nghệ, các dịch vụ liên kết mạng lưới các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp…
Trong bối cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn yếu và chưa đầy đủ, có giải pháp nào để Việt Nam tháo gỡ khó khăn, giải tỏa những điểm nghẽn? Có vẻ như khuyến nghị của World bank cũng hứa hẹn là một giải pháp: Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp, tức là tiếp cận đến đường biên công nghệ của các quốc gia trên thế giới thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ. Chỉ có việc đổi mới sáng tạo từng bước mới có thể nâng cao bắt kịp công nghệ cho Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công cụ quản lý phù hợp với công nghệ mới bởi vì “doanh nghiệp cần đổi cả phương thức quản lý, phương thức kinh doanh trong khi chúng ta chưa có chương trình nào hỗ trợ theo cách như vậy”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Nguồn: Thanh Nhàn - khoahocphattrien.vn