Ảnh hưởng của phân lân đến năng suất và chất lượng cỏ Stylo 184 tại Thái Nguyên
09/08/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Hồ Thị Bích Ngọc, Phan Đình Thắm, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Hưng Quang (ĐH Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên) tiến hành bốn công thức thí nghiệm nhằm xác định ảnh hưởng của phân lân đến năng suất và chất lượng của cỏ Stylosanthes guianensis CIAT 184 (Stylo CIAT 184) trồng tại Thái Nguyên.
Bốn công thức thí nghiệm sử dụng cùng loại phân bón nền, chỉ khác nhau liều lượng phân lân. Phân bón nền cho mỗi ha trong một năm gồm 20 tấn phân chuồng, 50 kg đạm ure và 200 kg clorua kali. Bốn mức phân lân tương ứng với các công thức lần lượt là ĐC 0 (0 kg), CT1 (250 kg), CT2 (500 kg) và CT3 (750 kg) cho mỗi ha một năm. Cỏ Stylo CIAT 184 sử dụng trong thí nghiệm được trồng và theo dõi tại Trung tâm thực hành thực nghiệm của trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên. Các chỉ tiêu theo dõi gồm chiều cao cây, năng suất và thành phần hóa học của cỏ.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, công thức bón lân CT2 tốt nhất cho sự phát triển của cỏ Stylo CIAT 184. Năng suất của công thức này cao đạt 49,16 - 67,3 tấn/ha năm thứ nhất và 30,21 - 34,33 tấn/ha trong năm thứ hai, cao nhất trong cả hai năm. Vì vậy, trong điều kiện đất trồng tại Thái Nguyên chỉ nên bón tối đa 500 kg lân/ha cho cỏ Stylo CIAT 184. Ngoài ra, thành phần hóa học của loại cỏ này cũng chịu ảnh hưởng của mức phân lân. Việc tăng mức phân lân không chỉ giúp tăng năng suất chất xanh mà còn làm giảm tỷ lệ chất xơ trong cỏ.
TN (nguồn: Tạp chí KH&CN - Chuyên san Nông Y Sinh, số 1/2014)