Ảnh hưởng của mật độ ương lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá hồi vân giai đoạn cá bột lên cá hương
03/09/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nghiên cứu nhằm xác định mật độ ương phù hợp để nâng cao tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá hồi vân giai đoạn cá bột lên cá hương trong điều kiện Lâm Đồng.
Cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss Walbaum, 1792) là một trong những loài cá hồi đầu tiên được gia hóa, sinh sản nhân tạo và nuôi thành công trong các thủy vực nước ngọt. Đây là loài cá nước lạnh, có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, thích ứng tốt với điều kiện nuôi. Ở Việt Nam, ngay từ khi nhập về nuôi thử nghiệm (năm 2005), cá hồi vân đã nhanh chóng thích ứng tốt với điều kiện nuôi ở các vùng nước lạnh thuộc Tây Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, nghề nuôi cá hồi vân hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn trứng, con giống và thức ăn nhập khẩu từ nước ngoài. Kết quả ương giống cá hồi vân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, mật độ ương là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và kỹ thuật.
Trong nghiên cứu này, 3 mật độ ương 1.000, 1.500 và 2.000 con/m2 được thử nghiệm nhằm tìm ra mật độ thích hợp cho ương cá hồi vân giai đoạn cá bột lên cá hương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mật độ ương có ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá hồi vân. Trong đó, cá được ương ở mật độ 1.000 con/m2 cho tốc độ sinh trưởng tuyệt đối và tương đối (0,21 g/con/ngày; 85,5%) cao hơn so với mật độ 1.500 con/m2 (0,17 g/con/ngày; 75,9%) và 2.000 con/m2 (0,16 g/con/ngày; 73,9%) (P<0,05). Tương tự, cá được ương ở mật độ 1.000 đạt khối lượng cuối cao hơn so với mật độ 1.500 và 2.000 con/m2 (4,62 ± 0,19 g/con). Tuy nhiên, không có sự khác biệt về khối lượng cuối của cá ở mật độ 1.500 (3,73 ± 0,21 g/con) và 2.000 con/m2 (3,39 ± 0,22 g/con). Cá được ương ở mật độ 1.000 và 1.500 con/m2 (95,5 và 93,7%) cho tỷ lệ sống cao hơn mật độ 2.000 con/m2 (89,0%) (P<0,05). Từ nghiên cứu này có thể nhận thấy, mật độ thích hợp cho ương cá hồi vân giai đoạn cá bột lên cá hương là 1.500 con/m2 nhằm tận dụng tốt diện tích bể ương.
Nhóm tác giả thực hiện gồm Nguyễn Viết Thùy (Cao học Nuôi trồng thủy sản 2009 – Trường Đại học Nha Trang), PGS.TS. Nguyễn Đình Mão (Trường Đại học Nha Trang), Nguyễn Anh Tiến (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) và Nguyễn Thị Thanh Thủy (Cao học Nuôi trồng thủy sản 2011 – Trường Đại học Nha Trang).
MN (nguồn: Tạp chí Khoa học – Công nghệ Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, số 2/2014)