SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ củ khoai lang tím giống Nhật Bản

Hiện nay, diện tích trồng khoai lang tím Nhật Bản chiếm hơn 90% diện tích tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là giống có thể trồng quanh năm, đem lại thu nhập cho người nông dân cao gấp 6, 7 lần so với cây lúa. Gần 80% sản lượng khoai lang sản xuất được xuất khẩu chủ yếu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và thường bị ép giá. Việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bao bì bảo quản hiện nay vẫn bằng phương pháp thủ công. Công nghệ xử lý, bảo quản chủ yếu theo phương pháp truyền thống nhỏ lẻ, chi phí lớn do đó chất lượng bảo quản chưa cao, thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hư hỏng sau bảo quản cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thị trường tiêu thụ và công nghệ chế biến chưa thực sự được quan tâm đúng mức, quy mô còn nhỏ lẻ, chất lượng không đảm bảo, không ổn định trong quá trình bảo quản sất, chiên. Do đó, nhằm xây dựng được quy trình công nghệ thu hoạch, sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm kéo dài thời gian tồn trữ trên 4 tháng ở nhiệt độ thường, tỷ lệ hư hỏng dưới 7% cũng như xây dựng mô hình thu hoạch, sơ chế, bảo quản tươi khoai lang tím tại vùng nguyên liệu với quy mô 2 tấn/ngày và mô hình sản xuất thực nghiệm các sản phẩm: bột dinh dưỡng và đồ uống lên men từ củ khoai lang tím Nhật Bản với quy mô 300-500 kg nguyên liệu/mẻ, sản xuất được 100 kg bột dinh dưỡng và 500 lít đồ uống lên men và tạo ra được các sản phẩm có hương vị, màu sắc đặc trưng của khoai lang tím giống Nhật Bản, nhóm nghiên cứu do TS. Hoàng Thị Lệ Hằng, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ củ khoai lang tím giống Nhật Bản”. Đây là đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch có phạm vi nghiên cứu chuyên sâu và quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam về công nghệ bảo quản và chế biến khoai lang tím giống Nhật Bản.

Các nội dung nghiên cứu bao gồm: Xác định độ già thu hoạch, phương pháp bao gói và phương thức vận chuyển nguyên liệu cho mục đích bảo quản và chế biến khoai lang tím Nhật Bản. Quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi. Phương pháp tồn trữ khoai lang tím Nhật Bản nhằm ổn định nguyên liệu đầu vào cho quá trình chế biến bột dinh dưỡng và đồ uống lên men. Quy trình công nghệ chế biến sản phẩm bột dinh dưỡng từ củ khoai lang tím Nhật Bản. Quy trình công nghệ chế biến sản phẩm đồ uống lên men từ củ khoai lang tím Nhật Bản. Bảo quản và chế biến các sản phẩm bột dinh dưỡng, đồ uống lên men từ củ khoai lang tím Nhật Bản. 

Qua thời gian 2 năm triển khai nghiên cứu (2013-2015), nhóm nghiên cứu đạt được các kết quả như sau:

Đã thu thập được các dữ liệu điều tra thực tế về tình hình sản xuất, tiêu thụ, sơ chế, bảo quản và chế biến khoai lang nói chung ở Việt Nam và trên thế giới, và của khoai lang tím Nhật Bản nói riêng ở Vĩnh Long.

Đã xác định được thời điểm thu hoạch, phương tiện vận chuyển và bao bì bao gói đối với nguyên liệu khoai lang tím Nhật Bản thích hợp cho mục đích bảo quản và chế biến cụ thể như sau: 

- Thời điểm thu hoạch thích hợp đối với giống khoai lang tím Nhật Bản là từ 132 - 140 ngày tính từ khi gieo trồng. 

- Phương pháp đóng gói và vận chuyển thích hợp là sử dụng sọt tre < 40kg, có màng nhựa đệm khô bên trong, hay rổ nhựa 20kg. Vận chuyển khoai từ nhà sơ chế đóng gói đến nơi tiêu thụ là xe tải, xe container có hoặc không có trang bị hệ thống lạnh.

Đã xây dựng được quy trình công nghệ thu hoạch, sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm kéo dài thời gian tồn trữ trên 4 tháng ở nhiệt độ thường, tỷ lệ hư hỏng dưới 7% với các thông số cụ thể như sau:

- Điều kiện tự làm lạnh vết thương thích hợp cho củ khoai lang tím sau thu hoạch là ở nhiệt độ 30-32oC (±1oC), độ ẩm là 85-90%. Khoai lang được xử lý bằng dung dịch NaClO nồng độ 100 ppm trong thời gian 15 phút và dung dịch α-NAA ở nồng độ 0,1% trong thời gian 5 phút. 

- Bao bì PE có độ dày 40 µm với diện tích đục lỗ 10% là bao bì phù hợp cho quá trình bảo quản khoai lang tím.

- Chế độ bảo quản thích hợp là 25 - 29oC (đây là nhiệt độ trung bình của Bình Tân - Vĩnh Long) và độ ẩm là 87±2%. 

- Đã tính toán được diện tích kho bảo quản quy mô 2 tấn/ngày là 54m2 với chiều dài, rộng là 9 x 6 và chiều cao 3m với đầy đủ các bản thiết kế (mặt bằng mái, bản vẽ cửa và bản vẽ chi tiết bản lề cửa kho bảo quản).

Xây dựng được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến một số sản phẩm (bột dinh dưỡng, rượu vang, nước uống lên men lactic) từ củ khoai lang tím Nhật Bản, sản phẩm có chất lượng ổn định, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm mục đích nội tiêu và tiến tới xuất khẩu với quy mô 300-500kg nguyên liệu/mẻ, cụ thể:

- Phương pháp sơ chế khoai lang cho mục đích tồn trữ phục vụ chế biến: Khoai lang - Làm sạch - Thái lát dọc với độ dày 6-80mm - Xử lý bằng dung dịch axit citric nồng độ 0,4% trong thời gian 15 phút - Sấy ở nhiệt độ 60-65oC tới độ ẩm 11±1% -> đóng gói. Sử dụng bao bì PP, dày 0,6mm, chất hút ẩm silicagel hàm lượng 0,02%, bảo quản ở nhiệt độ thường.

Những kết quả nghiên cứu đã giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay đối với vấn đề phát triển khoai lang tím, ổn định sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. 

Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả