Thu nhận carotenoprotein từ phế liệu tôm sú bằng protease
17/08/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Tôm sú Penaeus monodon là mặt hàng được nuôi và xuất khẩu chủ lực của ngành chế biến thủy sản Việt nam. Cùng với khối lượng lớn tôm xuất khẩu hàng năm thì phế liệu của nó là đầu và vỏ tôm cũng rất lớn. Chất màu astaxanthin trong tôm tồn tại chủ yếu ở lớp thịt sát vỏ dưới dạng carotenoprotein (phức chất carotenoid-protein) là thành phần có tính chống oxy hóa cực mạnh và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.
Ở Việt nam, carotenoprotein mới chỉ được thử nghiệm tận thu ở dạng thịt tôm còn sót trong phế liệu tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei hay kết hợp thu nhận khi sản xuất chitin. Nghiên cứu thu nhận carotenoprotein từ phế liệu tôm sú bằng protease của chính nó được tác giả Nguyễn Lệ Hà (ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) thực hiện với mong muốn nâng cao hiệu quả sử dụng phế liệu thải ra, đồng thời tạo nên sản phẩm với giá trị gia tăng và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo đó, chế phẩm protease từ đầu tôm sú có thể sử dụng hữu hiệu để thủy phân phế liệu đầu, vỏ tôm thu bột carotenoprotein bằng cách thực hiện ở nhiệt độ 50oC trong thời gian 9 giờ với nồng độ enzyme sử dụng là 45U/g mẫu. Carotenoprotein thành phẩm có nồng độ carotenoid cao, giàu protein, giàu axit amin, phù hợp sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay thực phẩm chức năng cho con người.
LV (nguồn: HN Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên lần 3)