Đây là sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố: "Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp kích thích cua lột xác" do Trung tâm Công nghệ Thức ăn và Sau thu hoạch Thủy sản chủ trì thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2019.
Giáp xác sau khi lột vỏ được gọi là giáp xác vỏ mềm. Theo TS. Nguyễn Văn Nguyện (chủ nhiệm nhiệm vụ), cua, ghẹ, tôm lột vỏ là những sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường thế giới do thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng canxi và phốt pho và dễ hấp thu. So với giáp xác vỏ cứng, sản phẩm giáp xác vỏ mềm có giá trị kinh tế hơn 1,5-2 lần.
Trong các loài giáp xác, cua biển là đối tượng nuôi tăng trọng nhanh, kích thước lớn, dễ nuôi (không đòi hỏi kỹ thuật cao), nhanh cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao (đặc biệt là xuất khẩu) nên nghề nuôi cua biển tăng trưởng, phát triển rộng trên cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Long An,…
Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính của người nuôi hiện nay là vấn đề thức ăn. Nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng khan hiếm và có nhiều nhược điểm như dễ gây ô nhiễm và phụ thuộc vào thời tiết. Khảo sát của nhóm nghiên cứu tại một số vùng nuôi cua lột ở Đồng bằng Sông Cửu Long cho thấy, thức ăn từ nguồn cá tạp (nước ngọt, nước mặn) được đa phần người nuôi sử dụng, bên cạnh một số loại khác như cá tạp, ruốc, còng con, thức ăn viên,… Tuy nhiên, nguồn cá tạp hiện đang bị khai thác cạn kiệt, giá thành tăng cao, khiến người nuôi không chủ động được nguồn thức ăn, lượng thức ăn sử dụng/ngày thấp, hoặc cua không được cho ăn thường xuyên.
Bên cạnh đó, tình trạng cua lột không đều và hiệu suất lột thấp cũng là những trở lực trong quá trình sản xuất. Để kích thích cho cua lột vỏ đồng loạt, người nuôi thường cắt mắt, bẻ chót chân bò, bẻ chót càng và trộn chất kích thích lột vỏ vào thức ăn cho cua. Một số sản phẩm chứa saponi, chitosan đã được trộn vào thức ăn cho cua, nhưng tỷ lệ thành công không cao và cơ chế tác dụng chưa rõ ràng. Có thể nói, thị trường vẫn chưa có sản phẩm đáng tin cậy để kích thích cua biển lột xác.
Từ thực tiễn này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng công thức thức ăn nuôi cua đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng giai đoạn trước khi lột vỏ và trong quá trình lột vỏ (có bổ sung Ecdysone với nồng độ từ 5, 10 và 15 mg/kg thức ăn). Đồng thời, quy trình công nghệ với quy mô công suất 200 kg/mẻ để sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cua lột dạng viên (hàm lượng 15 mg hoocmon Ecdysone/kg thức ăn), phối chế cùng các nguyên liệu khác như bột cá, bột đậu nành, bột mì, cám gạo, tấm gạo, chất hấp dẫn, dầu cá, vitamin và khoáng chất,… đã được xây dựng.
Thức ăn nuôi cua được đưa vào nuôi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên ao đất, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho giai đoạn trước và trong quá trình lột vỏ; hiệu suất lột vỏ lên đến 87,5% và tỷ lệ lột vỏ đồng loạt 42,86% sau 20 ngày nuôi. Viên thức ăn có đường kính 3-5 mm, độ bền trong nước trên 2 giờ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, có mùi hấp dẫn, phù hợp với thói quen và tập tính ăn của cua.
Các nhà nghiên cứu cũng xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho thức ăn công nghiệp kích thích cua lột xác (TCCS 01:2019/TTCN) và áp dụng vào thực tế nuôi cua lột thương phẩm tại một số cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Cần Giờ (TP.HCM).
Theo nhóm nghiên cứu, khi nuôi cua lột trong ao, chi phí nhiều nhất (không bao gồm chi phí đầu tư ban đầu và công chăm sóc) là con giống và thức ăn. Nếu tỷ lệ cua lột đạt khoảng 30-35% là người nuôi có lãi. Thời gian cho một vụ kéo dài khoảng 20-25 ngày. Cua có thể nuôi được quanh năm, nhưng tỷ lệ lột cao thường rơi vào các tháng mùa khô, là những tháng thường thiếu hụt nguồn thức ăn tự nhiên.
Đề tài đã tạo được loại thức ăn đặc hiệu để nuôi cua lột thương phẩm, với giá thành thấp hơn 20% (so với chi phí mua cá tạp) nhưng cho hiệu suất lột vỏ cao; rút ngắn thời gian lột và hệ số tiêu tốn thức ăn thấp hơn (so với thức ăn truyền thống); đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cua nuôi giai đoạn trước và trong quá trình lột xác, cua tăng trọng nhanh và tỷ lệ sống cao hơn; không để lại dư lượng hoocmon trong cua lột thành phẩm; tỷ lệ lột vỏ đồng loạt cao. Nhờ đó, người nuôi có thể chủ động được nguồn thức ăn mà không phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ; tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; chủ động khâu thu hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, gia tăng lợi nhuận trong cùng một chu kỳ nuôi và không gây ô nhiễm môi trường.
Việc phát triển sản xuất và sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cua lột là một trong những hướng đi mới, mang lại hiệu quả cho người nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi cua lột.
Vân Nguyễn (CESTI)