Đánh giá đặc điểm nông sinh học của một số mẫu giống hoa hiên thu thập ở Việt Nam
29/02/2016
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Tác giả Phạm Thị Minh Phượng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện nghiên cứu để bổ sung thêm tài liệu về hoa hiên (Hemerocallis sp.) Việt Nam cũng như xây dựng bộ hồ sơ phục vụ công tác chọn tạo giống hoa hiên.
Hoa hiên, hay còn gọi là hoa kim châm, thuộc chi Hemerocallis được trồng chủ yếu ở vùng có điều kiện khí hậu mát mẻ ở Việt Nam. Hoa hiên được sử dụng trang trí cảnh quan, làm rau hoặc thuốc. Nghiên cứu thực hiện trên 9 mẫu giống hoa hiên thu thập từ một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam.
Kết quả, 9 mẫu giống hoa hiên sinh trưởng tốt trong điều kiện Gia Lâm, Hà Nội, chiều cao cây từ 65,8 cm – 91,4 cm. Ngoại trừ mẫu giống C21 có thời gian ngủ nghỉ, các mẫu giống còn lại là cây thường xanh, do đó thuận tiện sử dụng trang trí cảnh quan.
Mùa hoa hiên ở Hà Nội bắt đầu từ tháng 4, nhóm hoa hiên vàng nở hoa vào cuối tháng 4 đến tháng 6, nhóm hoa hiên cam nở hoa đầu tháng 4 đến đầu tháng 5. Nhóm hoa vàng có mùi thơm, đường kính hoa trung bình 12,7 cm, dạng hoa loa kèn cánh đơn (6 cánh), ngồng hoa thấp hơn 100 cm. Nhóm hoa cam không có mùi thơm, dạng hoa uốn ngược cánh đơn hoặc kép (14 cánh), đường kính hoa trung bình 11,3 cm, ngồng hoa cao hơn 100 cm. Thời gian trang trí của hoa hiên vàng ké dài đến 2 tháng còn hoa hiên cam chỉ 3-4 tuần. Dựa vào đặc điểm ra hoa, hình dáng và màu sắc hoa đã xác định các mẫu giống hoa hiên thuộc hai loài là Hemorocallis fulva L. (hoa cam) và Hemorocallis lilioasphodelus L. (hoa vàng).
LV (Nguồn: Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, số 276-2015)