Điều tra thành phần loài và nghiên cứu sự phân ly của họ cau dừa (Palmae Juss.) tại khu vực Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
05/05/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Ninh Khắc Bản (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) và TS. Andrew Henderson (Vườn Thực vật New York, Hoa Kỳ) thực hiện điều tra, nghiên cứu nguồn tài nguyên cau dừa tại Hương Sơn nhằm đưa ra danh lục chính thức về thành phần loài cau dừa ở đây, đồng thời đề xuất một số giải pháp quản lý và sử dụng lâu bền nguồn tài nguyên này.
Đề tài tiến hành xây dựng các tuyến điều tra ở các kiểu thảm thực vật và các sinh cảnh khác nhau; lập các ô định vị kích thước 20x20m dọc theo các tuyến điều tra tại Ngả Đôi, Nước Sốt (Sơn Kim) để xác định thành phần loài song mây…; định loại các loài trong họ cau dừa theo phương pháp hình thái so sánh; sử dụng các công cụ của phương pháp đánh giá nông thôn có người dân tham gia (PRA) để thu thập thông tin về khai thác, sử dụng loài song mây…
Kết quả, có 22 loài (gồm cả 2 loài chưa xác định được tên khoa học) thuộc 12 chi trong học cau dừa có mặt tại khu vực rừng Hương Sơn, Hà Tĩnh, trong đó loài lá nón (Licuala sp.) có thể là một loài mới cho khoa học. Chúng đều là cây thân leo, hoặc thẳng, có gai hoặc không có gai. Chi mây là chi có số loài nhiều nhất (7 loài) chiếm 37% tổng số loài của chi mây ở Việt Nam. Sự phân bố của các chi trong họ cau dừa từ thấp đến cao, dưới độ cao 300m chủ yếu là các loài mây nước, mây cun, mây trâu; từ 300-600m chủ yếu là mây nước, mây tắt, mây song, mây cun; trên 600m chỉ còn xuất hiện song bột, mây hèo. Càng lên cao số loài càng ít dần, đặc biệt loài song bột đang bị đe doạ. Đa số các loài song mây trong khu vực nghiên cứu được người dân sử dụng làm nguyên liệu xây dựng, buộc, đan lát…ước tính hàng năm có tới hàng trăm tấn song mây được khai thác. Để hạn chế việc chặt phá song mây vô tổ chức, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở khi vực rừng Hương Sơn, cần kéo dài chu kỳ khai thác khoảng 4-5 năm/lần. Khai thác cần phải được chọn lọc, chỉ khai thác những cá thể đủ tiêu chuẩn thương mại (từ 3,5m trở lên). Trong quá trình khai thác cần tránh gây hại đến những cây chưa thành thục hay cây con. Không được đào cả gốc và rễ cây khi khai thác.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, số 1/2008)