Tại Việt Nam, chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) bắt đầu từ năm 1997, đến nay đã có 33 trung tâm TTON ra đời. Hơn 20 năm trôi qua, hiện nay chúng ta đã có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản với tỉ lệ thành công ngày càng tăng. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn thường được bệnh nhân đặt ra trên thực tế là có sự khác biệt nào giữa thai tự nhiên và thai TTON không? hay em bé TTON có phát triển bình thường không?
Với câu hỏi nghiên cứu: "Có sự khác biệt về sự phát triển tâm thần vận động và thể chất của trẻ TTON so với trẻ mang thai tự nhiên giai đoạn 5-30 tháng tuổi không?", đề tài nêu trên tiến hành nghiên cứu so sánh sự phát triển tâm thần, vận động và thể chất của trẻ sinh ra bằng phương pháp TTON - ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) so với trẻ sinh ra bằng phương pháp mang thai tự nhiên, giai đoạn từ 5-30 tháng tuổi tại Bệnh viện Từ Dũ.
Theo đó, không có sự khác biệt về sự phát triển tâm thần vận động giữa bé sinh ra bằng phương pháp TTON với trẻ mang thai tự nhiên ở mức độ tổng quát, toàn thể. Tuy nhiên, nhóm TTON có tỉ lệ điểm số thấp (QD<85) ở lĩnh vực vận động phối hợp và ngôn ngữ nhiều hơn nhóm thụ thai tự nhiên lần lượt là 2,16 lần và 2,15 lần. Không có sự khác biệt về sự chậm phát triển (QD<70) ở sự phát triển toàn thể cũng như tất cả lĩnh vực phát triển riêng lẻ (tư thế vận động, phối hợp vận động, ngôn ngữ, thích ứng xã hội) giữa trẻ TTON và trẻ mang thai tự nhiên. Không có sự khác biệt về sự phát triển thể chất (cân nặng, chiều cao, BMI, phân loại dinh dưỡng dư cân béo phì và suy dinh dưỡng trung bình nặng) giữa hai nhóm TTON và thụ thai tự nhiên.
Không có sự khác biệt về sự phát triển tâm thần vận động [trung bình điểm số phát triển tâm thần vận động, tỉ lệ điểm số thấp (QD<85) và sự chậm phát triển (QD<70) và sự phát triển thể chất (cân nặng, chiều cao, BMI, phân loại dinh dưỡng dư cân béo phì và suy dinh dưỡng trung bình nặng)] giữa hai nhóm thụ tinh ống nghiệm chuyển phôi tươi và phôi trữ.
Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam so sánh sự phát triển tâm thần vận động và thể chất của trẻ sinh ra từ chương trình TTON và trẻ sinh tự nhiên có cỡ mẫu lớn, đủ, có bắt cặp nhóm chứng từ 5-30 tháng tuổi, trả lời được cho câu hỏi “Có sự khác biệt nào về sự phát triển tâm thần vận động và thể chất của trẻ TTON so với trẻ mang thai tự nhiên giai đoạn 5-30 tháng tuổi không?”. Vì vậy, kết quả nghiên cứu đã mang đến thông điệp cho xã hội: giải đáp thắc mắc quan trọng về sức khỏe tâm thần vận động, thể chất của các bé sinh ra từ chương trình TTON cho người đi điều trị, giải đáp các nghi vấn cho các nhà chuyên môn trong và ngoài ngành với số liệu cụ thể rõ ràng. Kết quả nghiên cứu cũng là bằng chứng giúp tư vấn cho bệnh nhân Việt Nam trước, trong và sau thực hiện điều trị TTON về sức khỏe tâm thần vận động của bé giai đoạn 5-30 tháng tuổi một cách cụ thể, chi tiết rõ ràng.
Qua nghiên cứu còn cho thấy, các bé TTON càng khám sàng lọc sức khỏe tâm thần vận động sớm, sẽ có cơ hội phát hiện các nguy cơ càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao, đặc biệt trong giai đoạn sớm 3 năm đầu đời của bé. Tại các trung tâm TTON có thể xây dựng thêm một phòng khám sàng lọc về sức khỏe tâm thần vận động giai đoạn sớm kết hợp tư vấn điều trị, theo dõi trực tiếp các trường hợp có bất thường nhẹ, tư vấn nơi điều trị chuyên khoa cho từng bất thường cụ thể. Như vậy sẽ giúp các cháu TTON được chăm sóc một cách toàn diện hơn. Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng ngoài hệ thống Bệnh viện Từ Dũ, cung cấp dữ liệu sử dụng hoặc tham khảo cho các trung tâm TTON ở các khu vực khác, nhất là khu vực phía Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)