Ảnh hưởng của chỉ số nhiệt ẩm (THI) đến một số chỉ tiêu sinh lý của cừu nuôi tại Thừa Thiên – Huế
11/07/2011
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Bùi Văn Lợi (ĐH Sư phạm Huế), Nguyễn Xuân Bả, Lê Đức Ngoan, Lê Văn Phước, Nguyễn Hữu Văn (ĐH Nông lâm Huế), Trần Phước Đông (ĐH Nông nghiệp Quảng Trị) thực hiện nhằm theo dõi diễn biến chỉ số nhiệt ẩm (THI) và đánh giá ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến các chỉ tiêu sinh lý lâm sàng của 16 con cừu Phan Rang, Ninh Thuận được đưa về nuôi trong điều kiện khí hậu ở Thừa Thiên – Huế.
Kết quả cho thấy, nhiệt độ môi trường tăng dần từ tháng 1 đến thàng 6-7 sau đó giảm dần đến tháng 12; độ ẩm biến thiên theo chiều ngược với nhiệt độ; chỉ số THI biến thiên cùng chiều với sự thay đổi của nhiệt độ. Nhiệt độ bình quân theo giờ trong ngày ở chuồng nuôi cừu vào mùa nóng (tháng 5-7) và mùa lạnh (tháng 12-2) diễn biến theo thứ tự là: thấp nhất vào lúc 1-4 giờ (210C ở mùa lạnh và 26,90C vào mùa nóng), tăng dần và đạt cao nhất vào lúc 13 giờ (26,50C ở mùa lạnh và 34,20C) ờ mùa nóng), sau đó giảm dần cho đến 1-4 giờ sáng hôm sau. Biên độ dao động nhiệt độ trong ngày khoảng 4,50C vào mùa lạnh và 8,30C vào mùa nóng. Độ ẩm bình quân cao nhất vào lúc 4 giờ (93% ở mùa lạnh và 84% ở mùa nóng), giảm dần và đạt thấp nhất vào lúc 13 giờ (75% mùa lạnh và 60% mùa nóng) sau đó tăng dần cho đến 1-4 giờ sáng hôm sau. THI trung bình thấp nhất lúc 4 giờ (69 ở mùa lạnh và 78 ở mùa nóng), cao nhất vào lúc 13 giờ (76 ở mùa lạnh và 85 ở mùa nóng). Không có ảnh hưởng đáng kể của độ tuổi (6-12 và trên 12 tháng tuổi) đến các chỉ số sinh lý lâm sàng của cừu. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi đã tác động rõ rệt đến các chỉ số này, cụ thể: thân nhiệt, tần số hô hấp, nhịp tim của cừu ở mùa nóng và mùa lạnh tương ứng theo thứ tự là 39,30C và 38,80C, 49-52 và 24-26 lần/phút; 71-74 và 64-65 lần/phút. Có sự tương quan ở các mức độ khác nhau giữa THI với tần số hô hấp, nhịp tim và thân nhiệt ở cừu.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 2+3/2011)