Nghiên cứu tạo dòng dưa chuột đơn tính cái
02/10/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do PGS.TS. Trần Khắc Thi và các tác giả Phạm Mỹ Linh, Ngô Thị Hạnh (Viện Nghiên cứu rau quả) thực hiện nhằm tạo ra dòng tự phối dưa chuột đơn tính cái có khả năng kết hợp chung cao làm nguồn vật liệu cho công tác lai tạo giống dưa chuột mới.
Nghiên cứu tiến hành với giống dưa chuột lai F1 Marinda – 100% hoa cái; các dòng dưa chuột đơn tính đã chọn lọc đến thế hệ 17; các tổ hợp lai tạo được do phép lai đỉnh với vật thử là giống dưa chuột YM15 (tạo ra từ giống Yên Mỹ) và AT73653 (tạo ra từ giống Tam Dương).
Theo đó, sử dụng giống dưa chuột lai F1 Marinda thông qua phương pháp tạo dòng tự phối đã thu được 17 dòng dưa chuột đơn tính cái. Trong đó có 5 dòng D1, D2, D8, D13 và D17 đạt mức độ đồng đều khá về các tính trạng chiều cao cây và số lá/cây. Xác định được 5 dòng dưa chuột đơn tính cái D1, D2, D8, D13 và D17 có khả năng kết hợp chung cao. Các dòng dưa chuột đơn tính cái mới tạo ra có khả năng sinh trưởng phát triển tương đối tốt, tương đương với giống gốc Marinda trong điều kiện Gia Lâm – Hà Nội với các chỉ tiêu nông sinh học như: số lượng hoa cái trên cây cao, mức độ nhiễm bệnh trên đồng ruộng thấp. Nhóm tác giả đề nghị sử dụng các dòng đơn tính cái mới tạo ra làm nguồn vật liệu khởi đầu trong công tác lai tạo giống dưa chuột lai F1 có lượng hoa cái nhiều, tạo tiềm năng cho năng suất cao.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 10/2008)