Thống kê thực tế số ca thay khớp háng nhân tạo ở một số bệnh viện Việt Nam trong những năm gần đây như sau: Bệnh viện Chợ Rẫy: 40 - 50 ca/tháng tương đương 480 - 600 ca/năm; Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TPHCM: 80 ca/tháng tương đương 960 ca/năm; Bệnh viện Đại học Y Dược: 80 ca/ năm; Bệnh viện Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Bưu Điện: 10 - 15 ca/tháng, tương đương 120 - 180 ca/năm; Các bệnh viện còn lại của các tỉnh phía Nam: khoảng 50 ca/năm; Các bệnh viện các tỉnh miền Bắc: bằng khoảng 1/3 số ca của miền Nam, trong đó: Bệnh viện Việt Đức: 25 - 30 ca/tháng tương đương 300 - 360 ca/năm; Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 103: 43 ca/năm; Các tỉnh miền Trung: bằng khoảng 1/8 số ca của miền Nam.
Như vậy, trên cả nước số ca thay khớp háng nhân tạo khoảng 2.465 - 2.727 ca/năm. Tuy nhiên theo các bác sĩ điều trị thì chỉ có khoảng 20% bệnh nhân có đủ khả năng tài chính để có thể phẫu thuật thay khớp háng, nghĩa là nhu cầu thay khớp háng có thể gấp 5 lần, tức là vào khoảng 12.325 - 13.635 ca/ năm, tính trung bình nhu cầu vào khoảng 13.000 ca/năm.
Chi phí hàng năm cho việc mua để thay thế khớp háng và các loại khớp nhân tạo khác không phải là nhỏ. Mặt khác, vấn đề cấp thiết đặt ra mang tính xã hội và nhân văn là không phải bệnh nhân nào cũng đủ tiền để mua và thay khớp háng, nên cần nghiên cứu thiết kế và chế tạo khớp háng trong nước có chất lượng đạt các tiêu chuẩn quốc tế nhưng giá thành rẻ hơn so với ngoại nhập, để vừa tăng cơ hội cho bệnh nhân nghèo phải thay khớp háng, vừa giảm chi phí điều trị và vừa góp phần tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu.
Tại Việt Nam chưa có đơn vị, tổ chức nào nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thương mại hóa KHTP. Có chăng, chỉ là những bước sơ khai đầu tiên. Hiện nay, ở Việt Nam khi cần thay thế thì KHTP được đặt mua từ nước ngoài, theo các cỡ (size) có sẵn.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết và khắc phục những tồn tại nêu trên, Cơ quan chủ trì đề tài: Phòng thí nghiệm trọng điểm Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống đã cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài: TS. Hồ Thị Thu Nga để thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm khớp háng nhân tạo toàn phần” nhằm đạt mục tiêu chung là làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo khớp háng nhân tạo toàn phần phù hợp với người Việt.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Các kết quả về thử nghiệm tính tương hợp sinh học của vật liệu chế tạo KHTP (hợp kim titan Ti6Al4V và polyme UHMWPE) được thử nghiệm trên chuột và thỏ. Các kết quả này cho thấy vật liệu hợp kim titan Ti6Al4V và polyme UHMWPE đạt yêu cầu để chế tạo KHTP phục vụ cấy ghép.
- 12 bộ khớp háng toàn phần cho heo đã được chế tạo và cấy ghép cho 12 con heo. Các kết quả thử nghiệm cho thấy KHTP tương hợp sinh học với heo được thay thế khớp háng.
- 03 bộ khớp háng toàn phần cho người Việt Nam.
- Một số bộ KHTP khác cũng được chế tạo và đưa vào thử nghiệm cơ học. Các kết quả thử nghiệm cơ học cho thấy KHTP đạt yêu cầu so với quy định của các tiêu chuẩn quốc tế về thiết bị cấy ghép trên cơ thể người.
- 01 máy thử mòn khớp háng toàn phần. Máy đã được đưa vào sử dụng để thử mòn KHTP cho người trong hơn 5 triệu chu kỳ. Các kết quả thử mòn cho thấy KHTP đạt yêu cầu so với các sản phẩm tương tự của một số hãng nổi tiếng trên thế giới.
- 06 bộ tài liệu, bao gồm: 1 bộ tài liệu quy trình thiết kế KHTP cho heo; 1 bộ tài liệu quy trình công nghệ chế tạo KHTP cho heo; 1 bộ tài liệu quy trình thiết kế KHTP cho người; 1 bộ tài liệu quy trình công nghệ chế tạo KHTP cho người; 1 bộ tài liệu kết quả thử nghiệm độ bền cơ học và độ mòn KHTP cho người; 1 bộ tài liệu kết quả thử nghiệm trên heo.
- 8 bài báo khoa học, bao gồm 07 bài báo đăng trong hội nghị toàn quốc chuyên ngành và 01 bài báo được chấp nhận đăng trong tạp chí chuyên ngành quốc tế.
- 03 luận văn thạc sĩ, bao gồm 02 luận văn chuyên ngành kỹ thuật cơ khí và 1 luận văn chuyên ngành chấn thương chỉnh hình.
- 04 sản phẩm được đăng ký sở hữu công nghiệp.