Nguồn thu nhập chính của người nông dân Bình Thuận là cây thanh long, nhưng vài năm trở lại đây, xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại cho thanh long như: bệnh đốm nâu, bệnh vàng cành, bệnh thán thư, ruồi đục quả, rệp sáp, bệnh thối cành, thối rễ, thối quả… dẫn đến năng suất và chất lượng quả bị suy giảm, gây khó khăn cho người nông dân.
Trong các loại sâu bệnh gây hại cho cây thanh long, bệnh đốm nâu phát sinh gây hại quanh năm, mức độ gây hại nghiêm trọng nhất, gây trở ngại cho sản xuất. Để phòng trừ bệnh, bà con nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn không mang lại hiệu quả cao và khó kiểm soát. Nắm bắt thực tế này, tác giả Phạm Thị Vượng cùng các đồng nghiệp tại Viện Bảo vệ thực vật và trường Cao đẳng Nông Lâm Sơn La đã tiến hành nghiên cứu “Bệnh đốm nâu hại thanh long tại Bình Thuận và hiệu quả của một số thuốc hóa học trong phòng trừ bệnh”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh đốm nâu (N. dimidiatum) phát sinh, phát triển mạnh và gây hại nghiêm trọng ở điều kiện nhiệt độ cao 320C – 350C, kết hợp với thường xuyên có mưa, bệnh phát sinh với tỷ lệ và chỉ số bệnh (mức độ bị bệnh của cây) cao từ tháng 6 đến tháng 8.
Đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng cho thấy, hoạt chất mancozeb và carbendazim có hiệu quả phòng trừ bệnh N. dimidiatum cao, hiệu lực trừ bệnh đạt cao hơn khi kết hợp với phân bón lá TB888. Tỷ lệ bệnh giảm nhiều, xuống (79,2%) trên cành và 45,7% trên quả. Chỉ số bệnh là 13,8% trên cành và 9,3% trên quả. Trong khi ngoài sản xuất, người dân sử dụng nhiều loại thuốc trộn với nhau, phun 5 – 7 ngày/lần nhưng tỷ lệ bệnh trên cành và trên quả vẫn cao (100%), chỉ số bệnh trên cành là 37,1% và trên quả là 32,2%.
Nghiên cứu đã cung cấp một số thông tin về điều kiện phát sinh, gây hại của bệnh N.dimidiatum (đốm nâu) và hiệu quả phòng trừ bệnh của một số loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây thanh long, giúp bà con nông dân tại Bình Thuận đưa ra những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để bảo vệ cây và trái thanh long khỏi sâu bệnh, ổn định năng suất và chất lượng quả một cách chủ động.
Nguồn: Tạp chí NN&PTNT, số 24/2015