Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy khoan hố trồng rừng
10/07/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Lê Tấn Quỳnh (ĐH Lâm nghiệp) và TS. Đỗ Hữu Quyết (ĐH Nông nghiệp I) thực hiện nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy khoan hố lắp sau máy kéo nông nghiệp cỡ nhỏ phù hợp với điều kiện làm việc trên đất dốc lâm nghiệp và khắc phục được hiện tượng miết thành hố, đảm bảo được chất lượng hố đào theo yêu cầu của kỹ thuật lâm sinh.
Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và các điều kiện thực tế, nguyên lý làm việc và kết cấu của máy khoan hố được chọn như sau: lưỡi khoan là loại lưỡi làm tơi, không đưa đất ra khỏi hố, lưỡi cắt đáy hố có mũi ở tâm và lắp thêm lưỡi phá đá và cắt cỏ; máy khoan được lắp sau máy kéo và truyền động bằng hệ thống truyền động thủy – cơ kết hợp. Chuyển động quay của trục máy khoan được thực hiện nhờ động cơ thủy lực và hộp giảm tốc 1 cấp, nâng hạ bằng cơ cấu treo của máy kéo. Công suất cần thiết kế trên trục máy khoan N = 13,3 kW, sau khi thiết kế và chế tạo, máy khoan hố đã được khảo nghiệm trong điều kiện sản xuất.
Khảo nghiệm thực hiện tại lâm trường Tam Thanh – Phú Thọ vào tháng 3/2006 với loại đất đồi trồng bạch đàn lâu năm, độ chặt ở độ sâu 5 ÷ 10 cm là 28,51 G/cm2, độ ẩm 24%. Hố đào có đường kính D = 40 cm, độ sâu H = 40 cm, khoảng cách giữa các hố là 2m. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, máy khoan có nguyên lý cấu tạo phù hợp, có độ bền cần thiết, thời gian thuần túy đào 1 hố trung bình 12,82 s; thời gian di chuyển máy giữa 2 hố trung bình 12,86 s; tổng thời gian đào 1 hố trung bình 25,68 s; năng suất thuần túy đạt 280 hố/h; năng suất thực tế đạt 140 hố/h. Đặc biệt, máy khoan có hệ thống dẫn động bằng thủy lực nên làm việc êm dịu và không bị hư hỏng trong trường hợp khoan hố trên đất cứng hoặc gặp vật cản cục bộ như đá, rễ cây lớn. Lưỡi cắt của mũi khoan có cấu tạo độc đáo không làm miết thành hố, có khả năng cắt cỏ rác, dây leo nên không bị cuốn vào trục, có khả năng điều chỉnh lượng đất để lại trong hố bằng cách thay đổi vận tốc khoan.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, số 2/2008)