SpStinet - vwpChiTiet

 

Sửa cầu Thăng Long bằng công nghệ của Hall Brother

Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký hợp đồng với Công ty Hall Brother (Mỹ) sửa chữa phần mặt cầu 12.000m2 và cào bóc thảm 2cm đối với toàn bộ mặt cầu Thăng Long bằng vật liệu dính bám Novabond.
 

Theo các báo cáo của Ban Quản lý dự án 2, từ tháng 7/2012 đến nay, mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa trên 14.000m2/tổng số 26.100m2 diện tích mặt cầu bằng công nghệ và vật liệu của hãng Hall Brother.

“Hiện tại, cầu vẫn còn trên 12.000m2 mặt cầu cũ đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, cản trở lưu thông và đe dọa mất an toàn giao thông. Hơn nữa, việc bố trí sửa chữa phần diện tích mặt cầu cũ còn lại này làm lắt nhắt và không kịp thời khiến mặt đường bị phá rất nhanh,” Ban Quản lý dự án 2 đánh giá.

Đề cập đến việc sử dụng công nghệ mới vào sửa chữa cầu Thăng Long, đại diện Ban Quản lý dự 2 cho rằng, tại dự án đặc biệt này, việc thi công bằng công nghệ của Hall Brother được triển khai sau khi đã thực hiện thí điểm và tiến hành bằng máy chuyên dụng, thi công lớp bê tông nhựa phủ mặt sử dụng vật liệu dính bám Novabond.

Đồng tình quan điểm đó, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trên diện tích đã được thi công, từ suốt 14 tháng qua, vật liệu Novabond của Hall Brother cho thấy có khả năng dính bám ổn định trong điều kiện làm việc thực tế của mặt cầu Thăng Long.

Trên cơ sở đề xuất của cơ quan chuyên môn và Công ty Hall Brother, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định ký hợp đồng với Hall Brother sửa chữa phần mặt cầu 12.000m2 còn lại và cào bóc thảm 2cm đối với toàn bộ mặt cầu Thăng Long đồng thời yêu cầu Hall Brother khẩn trương bố trí thiết bị máy móc, thi công ngay khi thời tiết khô ráo, đảm bảo chất lượng cao cho công trình.

Hall Brother khẳng định, với công nghệ này, các đơn vị có thể thi công từ 300-500m2 mặt cầu mỗi đêm và chỉ sau 1 tuần có thể hoàn tất việc sửa chữa.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cầu Thăng Long là công trình hết hạn bảo hành nên nguồn kinh phí sửa chữa từ 14 tháng qua và đợt sửa chữa tới đây sẽ được trích từ Quỹ Bảo trì đường bộ. Hiện tại, vẫn chưa xác định kinh phí sửa chữa đợt mới.

Cầu Thăng Long là cây cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Cầu được xây dựng từ năm 1974 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô và được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 1983, đầu năm 1984.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long tiêu tốn gần 100 tỷ đồng ngay từ lần đầu tư đầu tiên hồi cuối năm 2009. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào sử dụng, mặt cầu biến dạng, nứt nghiêm trọng, xuất hiện những vũng, ổ gà lớn. Sau nhiều lần được duy tu, Bộ Giao thông Vận tải đã thừa nhận nguyên nhân là thất bại từ việc chuyển giao công nghệ sửa chữa mặt cầu.

Nguồn: Vietnam+

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả