SpStinet - vwpChiTiet

 

Tiếp tục hoàn thiện chính sách khoa học – công nghệ

Công tác rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ (KH&CN) tiếp tục được các bộ, ngành đẩy mạnh, nhằm đưa KH&CN, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong năm 2020, các chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành, gồm 16 văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 7 văn bản cấp Bộ. Các văn bản tập trung vào hoàn thiện cơ chế tài chính cho KH&CN, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước; hoàn thiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, thu hút nguồn nhân lực.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách khoa học – công nghệ
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đổi mới công nghệ

Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nâng cao năng lực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; hoàn thiện quy định về tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Về phía Bộ Công Thương, thông tin từ Vụ KH&CN, điểm nổi bật trong công tác KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2016 - 2020 được thể hiện trên các khía cạnh: Sự chủ động trong công tác tham mưu, xây dựng định hướng, chính sách ưu tiên về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu phát triển của ngành ở các cấp và phạm vi; sự chuyển hướng nhanh chóng, xác định chính xác đối tượng mục tiêu toàn bộ hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của toàn ngành là DN, từ đó có quá trình tái cơ cấu về nguồn lực, nội dung cũng như phương thức triển khai.

Bên cạnh đó, liên tục đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN của ngành; tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích sự tham gia của các tổ chức KH&CN trong và ngoài Bộ, các tổ chức tư vấn, DN, đặc biệt là sự vào cuộc của các DN ngành Công Thương, với vai trò là nơi tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa quy trình, thủ tục để tạo sự đồng bộ và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động.

Những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách đã góp phần nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN của đất nước. Đến nay, cả nước có 687 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 236 trường đại học, 3 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung và gần 67 nghìn cán bộ nghiên cứu.

Nguồn lực tài chính cho KH&CN từ ngân sách nhà nước được duy trì mức 2% tổng chi hàng năm; đầu tư từ DN, nhất là DN quy mô lớn ngày càng tăng mạnh (chiếm 48% tổng chi xã hội cho KH&CN). Hạ tầng nghiên cứu một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học được đầu tư tăng cường.

Cùng với đó, số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế và sáng chế của người Việt Nam tăng hàng năm; tốc độ đổi mới công nghệ, năng lực công nghệ của quốc gia và DN được tăng cường; khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh. Trong năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN.

Trong năm 2021, Bộ KH&CN sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư cho KH&CN để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; đặc biệt, tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Nguồn: Quỳnh Nga - congthuong.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả