Phân tích công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương sau thu hoạch bằng biểu đồ sáng chế.
05/07/2018
KH&CN trong nước
Dựa trên biểu đồ sáng chế và báo cáo toàn cảnh sáng chế, nhóm tác giả Nguyễn Lệ Kim, Trần Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hiền (Phòng Thông tin, Cục Sở hữu trí tuệ) đã phân tích, thống kê các dữ liệu thông tin sáng chế và các xu hướng công nghệ trong lĩnh vực đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương trên thế giới, cũng như Việt Nam. Mục tiêu của báo cáo là giúp các doanh nghiệp và các nhà quản lý xác định được chiến lược sản xuất và kinh doanh phù hợp với đơn vị mình.
Nghề khai thác cá ngừ ở Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản thực phẩm trên tàu cá Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế và thịt cá ngừ khó bảo quản hơn các loại thịt cá khác, vì vậy, nếu thịt cá không tươi sẽ dễ gây dị ứng và ngộ độc cho người sử dụng. Bên cạnh đó, việc ướp lạnh các ngừ bằng nước đá trong thời gian dài trên các tàu đánh bắt khiến sản phẩm chỉ được bảo quản ở khoảng 00C hoặc âm vài độ, do đó, độ tươi và cảm quan của cá bị xuống cấp, làm giảm giá trị sản phẩm.
Nhóm tác giả đã tiến hành tra cứu thông tin sáng chế liên quan đến công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương tại cơ sở dữ liệu Patbase (Mineoft™) và Thư viện điện tử về Sở hữu công nghiệp Việt Nam (IPLib), các nội dung thực hiện bao gồm: xác định các từ khóa liên quan đến đơn đăng ký sáng chế và bằng độc quyền sáng chế thích hợp; xác định chỉ số phân loại sáng chế quốc tế liên quan đến công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ; xây dựng biểu thức (câu lệnh) tra cứu; lựa chọn, phân tích và thống kê kết quả tìm được.
Qua quá trình tra cứu, nhóm tác giả đã tìm được 190 họ sáng chế (Patbase), 196 bằng độc quyền sáng chế và 414 đơn đăng ký sáng chế đã được công bố đến tháng 12/2016. Phân chia đơn đăng ký sáng chế theo chỉ số phân loại sáng chế quốc tế (IPC), có thể thấy được các sáng chế về thiết bị đánh bắt cá ngừ chiếm tỷ lệ lớn nhất (44%), tiếp theo là các phương pháp chung để bảo quản các sản phẩm từ cá hoặc thịt (38%). Theo phân tích về chủ đơn sáng chế cho thấy, Công ty Global Fresh Foods (Hoa Kỳ) sở hữu nhiều đơn đăng ký sáng chế nhất với 6 đơn và 17 bằng độc quyền sáng chế. Ngoài ra, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc là các quốc gia đi đầu trong hoạt động đăng ký sáng chế về công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ.
Báo cáo được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 3a/2017.