SpStinet - vwpChiTiet

 

Tạo vật liệu khởi đầu giống ổi bằng phương pháp lai hữu tính

Với mục tiêu chọn tạo ra các giống ổi có năng suất cao và chất lượng quả tốt, nhóm tác giả Bùi Quang Đăng (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Nguyễn Thị Tuyết, Vũ Việt Hưng (Viện Nghiên cứu Rau quả) và cộng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu tạo vật liệu khởi đầu giống ổi bằng phương pháp lai hữu tính, kết hợp các đặc tính nổi trội của nguồn gien ổi trong nước và nước ngoài.

Ổi là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, được trồng phổ biến tại các nước nhiệt đới và á nhiệt đới. Ngoài việc dùng để ăn tươi hoặc chế biến thành các loại đồ hộp, nước ổi, mứt ổi, thì quả ổi non, búp ổi, vỏ cây và rễ ổi còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, các vùng trồng ổi tại Việt Nam hiện nay hầu hết đều sử dụng các giống ổi địa phương, quả nhỏ, nhiều hạt, năng suất thấp và chất lượng không ổn định. Vì vậy, công tác nghiên cứu chọn tạo các giống ổi có năng suất cao, chất lượng quả tốt, không hoặc có ít hạt là rất cần thiết tại nước ta.

Nghiên cứu (được đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 06/2018) sử dụng vật liệu lai tạo (bố, mẹ) là 10 giống ổi trong nước và nhập nội trồng phổ biến tại miền Bắc Việt Nam như Đài loan, Bo Trắng, Xù Dài, Thái Lan... Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện đánh giá sức sống và khả năng nảy mầm của hạt phấn ở một số giống ổi thí nghiệm.

Trong số 80 cá thể lai ưu tú của 18 tổ hợp lai hữu tính, kết quả đã chọn lọc được 3 dòng lai có chất lượng tốt là TXD91 (Thái Lan x Xù Dài), ĐLBT3 (Đài Loan x Bo Trắng) và ĐLT3 (Đài Loan x Thái Lan). Các dòng ổi lai này cho khối lượng quả lớn (312,42-414,53 g/quả), ít hạt (86-121,11 hạt/ quả); tỷ lệ cùi cao (trên 90%), cùi dòn, vỏ sáng xanh; các chỉ tiêu như độ brix, hàm lượng đường tổng số, hàm lượng chất khô, axit tổng số đều tương đương với giống ổi Đài Loan đang được trồng phổ biến trong nước.

 

Nguồn: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả