TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của vùng và của cả nước. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp đăng kí hoạt động mới và quay lại hoạt động, cho thấy rủi ro hoạt động kinh doanh còn khá cao. Theo Cục Quản lí đăng kí kinh doanh, một trong những nguyên nhân là do thiếu những định hình sáng tạo, công nghệ, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhóm đề tài đã tiến hành nghiên cứu tổng quan, phân tích các khái niệm về ĐMST, loại hình, qui trình ĐMST, vai trò tích cực nhiều mặt của ĐMST đến các khía cạnh của đời sống xã hội; tổng quan về phản ánh thực trạng ĐMST và kinh nghiệm ĐMST tại một số quốc gia. Theo đó, định nghĩa về ĐMST được làm rõ 3 nội dung chính, phản ánh đặc điểm của ĐMST ở giai đoạn đầu. Thực trạng ĐMST có thể phản ánh bởi chỉ số ĐMST toàn cầu (GII của WIPO) và mô hình phân tích (như mô hình kim cương). Các yếu tố ảnh hưởng đến ĐMST được nghiên cứu theo chiều sâu với nhiều nguồn tài liệu từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Phần Lan, Nga, Úc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan,… cũng được phân tích để làm rõ những bài học đúc kết từ các quốc gia đi trước và đã thành công ban đầu về ĐMST.
Về thực trạng ĐMST, có thể thấy, tuy ĐMST ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới chỉ ở giai đoạn đầu, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, với đặc trưng qui mô doanh nghiệp nhỏ trong khi hiệu quả hoạt động chưa cao, thời gian qua đã có rất nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với nâng cao chất lượng và nhân lực cho công tác R&D và hoạt động sản xuất; các thể chế chính sách giàu tính hỗ trợ trên địa bàn TP.HCM như việc hình thành hệ thống vườn ươm, các cơ chế và quĩ hỗ trợ của Sở KH&CN, cơ chế phối hợp liên kết quốc tế trong phát triển năng lực và đội ngũ cho ĐMST,…
Phân tích ĐMST từ góc nhìn doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu xác định 6 yếu tố chính có ảnh hưởng nhiều nhất đến ĐMST, trong đó yếu tố thuộc bản thân nội tại doanh nghiệp (thái độ đổi mới của ban lãnh đạo, năng lực hiện hữu và hiệu quả điều hành của doanh nghiệp) đã được xác định có tác động chính, tích cực đến năng lực ĐMST doanh nghiệp. Các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài như thể chế pháp luật, chính sách, yêu cầu đổi mới chỉ đóng vai trò thứ yếu trong mối quan hệ tác động. Đồng thời, các phát hiện cũng cho thấy khi phân loại doanh nghiệp theo qui mô doanh nghiệp, tác động của các yếu tố bên ngoài (thể chế, yêu cầu, tiếp cận nguồn lực ngoài) đến doanh nghiệp qui mô khác nhau sẽ khác nhau. Doanh nghiệp siêu nhỏ rất dễ chịu ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Hiệu quả điều hành doanh nghiệp cũng thay đổi theo qui mô doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với loại hình doanh nghiệp khác nhau, năng lực ĐMST của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau, với lợi thế thuộc về các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Tuy nhiên, ĐMST nghiên cứu trong thời gian ngắn chưa cho thấy ảnh hưởng có ý nghĩa lên lợi nhuận hay hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Dựa trên phân tích thực trạng và phân tích yếu tố ảnh hưởng đến ĐMST theo chiều sâu, một số giải pháp theo đề xuất của nhóm nghiên cứu và tổng hợp từ các ý kiến đóng góp cũng đã được xây dựng thành giải pháp chung, thống nhất là xây dựng hệ sinh thái ĐMST TP.HCM. Có giải pháp đòi hỏi nỗ lực lâu dài như việc xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia, gây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước – Nhà trường, Nhà nghiên cứu – Tổ chức trung gian – Doanh nghiệp). Một số giải pháp là những ý tưởng học tập từ các quốc gia khác, như sàn gây vốn vi mô cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tự do học thuật, mô hình vườn ươm. Một số giải pháp xuất phát từ xu hướng chung và theo đề xuất của các chuyên gia, như việc thành lập sàn giao dịch ý tưởng ĐMST, tạo dựng văn hóa ĐMST tại doanh nghiệp. Tính mới của các nhóm giải pháp thể hiện qua các giải pháp hình thành một văn bản pháp lí về hệ sinh thái ĐMST của thành phố và toàn bộ các giải pháp xoay quanh việc xây dựng, phát triển, kết nối các thành phần và toàn hệ sinh thái ĐMST.