Ảnh hưởng của nồng độ glycerol đến tỉ lệ sống của tuyến trùng trong bảo quản đông lạnh bằng nitơ lỏng
06/03/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) và Ralf-udo Ehlers (Viện bệnh học thực vật, Đại học Tổng hợp Kiel, CHDC Đức) thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của nồng độ glycerol đối với quá trình xử lý bảo quản lạnh và hiệu quả sống sót của các chủng tuyến trùng epn phân lập từ Việt Nam.
Nhóm tác giả sử dụng nguồn tuyến trùng epn cho () thí nghiệm là các chủng tuyến trùng bản địa Steinernema và Heterorhabditis phân lập từ Việt Nam. Sau đó tiến hành thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của nồng độ Glycerol đến sự sống sót của tuyến trùng theo qui trình của Curran và cs (1992) và Nurgent và cs (1996) nhưng giảm nồng độ Glycerol còn 10% đối với chủng Steinernema và 7,5% với chủng Heterorhabditis.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, sau 72 giờ tỉ lệ sống của chủng Steinernema Dl23 tới 85-91%, trong khi ở chủng Heterorhabditis BY sau 48 giờ khá cao (94%) nhưng sau 72 giờ xuống giảm đột ngột còn 44,1%. Như vậy việc giảm nồng độ Glycerol xuống thấp tối ưu là 10% đối với Steinernema và 7,5% với Heterorhabditis để xử lý tuyến trùng khi bảo quản đông lạnh cho kết quả khả quan.
Vấn đề đặt ra là khả năng sống của tuyến trùng sau khi bảo quản đông lạnh ra sao? Thí nghiệm cho thấy, trong số 38 chủng epn của Việt Nam được xử lý nitơ hóa lỏng thì chỉ có 7 chủng là sống sót sau đông lạnh. Điều đáng lưu ý là các chủng này đều có tỉ lệ sống sót khá cao sau khâu xử lý, ngâm ủ trong dung dịch Glycerol –Ringer tức là trước khi đưa vào xử lý đông lạnh trong nitơ hóa lỏng. Đây là khâu quan trọng ảnh hưởng đến khả năng sống sót của các chủng tuyến trùng.
Kết quả nghiên cứu trên là cơ sở bước đầu để cải tiến và hoàn thiện qui trình bảo quản đông lạnh cho các chủng epn của Việt Nam nói chung và vùng nhiệt đới nói riêng.
BH (Theo tạp chí Sinh học, tập 29,số 4/07)