Phòng chống sạt lở bờ biển bằng công nghệ tiêu giảm sóng
15/10/2019
KH&CN trong nước
Các nhà khoa học của Viện Thủy công, thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã nghiên cứu hoàn thiện lý thuyết và xây dựng thí điểm công trình phòng chống sạt lở bờ biển bằng công nghệ đê trụ rỗng tiêu giảm sóng - ĐTR304F tại khu vực cửa biển Nhà Mát, Bạc Liêu.
Đây cũng là sản phẩm của đề tài: Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện công nghệ tiêu tán và giảm năng lượng sóng chống xói lở bờ biển đồng bằng sông Cửu Long”, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”, KC.09/16-20. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 9/2017 - tháng 8/2020, trong đó sản phẩm quan trọng của đề tài là lựa chọn và thử nghiệm mô hình công trình tiêu tán giảm năng lượng sóng cho biển Đông và biển Tây.
Để đưa sản phẩm nghiên cứu ra thực tế, Viện đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Hồng Lâm thi công mô hình thử nghiệm này từ cuối năm 2018.
Đê trụ rỗng 304F. Ảnh: KA
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Viện Thủy công, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, ĐTR304F là cấu kiện bằng bê tông cốt thép M50 có bố trí lỗ tiêu sóng trên bề mặt. Mặt tiếp sóng được bố trí 20 lỗ, mặt khuất sóng bố trí 8 lỗ, đường kính lỗ tiêu sóng là 30cm. Đỉnh cấu kiện bố trí 2 lỗ tròn đường kính D40cm để thả đá hộc, hai bên đáy cấu kiện thiết kế chân khay cao 50cm để chống trượt. Bề rộng cấu kiện là 4,5m, chiều dài đơn nguyên là 3m, trọng lượng 1 cấu kiện khoảng 16T (tương đương 6,5m3 bê tông).
Nguyên lý giảm sóng của loại kết cấu này là sử dụng các lỗ trên bề mặt của hình trụ rỗng để hấp thụ và phân tán năng lượng song. Các đường dòng của sóng khi lọt qua các lỗ rỗng có hướng tâm nên chúng sẽ va đập vào nhau triệt tiêu năng lượng ở ngay trong bụng đê trụ rỗng. Do vậy phần năng lượng còn lại để hình thành sóng truyền bị giảm đi đáng kể, tạo ra vùng nước lặng phía sau công trình để gây bồi. Đê trụ rỗng có mặt rỗng nên có khả năng vận chuyển phù sa từ ngoài vào trong thuận lợi nên có khả năng gây bồi nhanh phía sau công trình, tạo điều kiện để trồng rừng ngập mặn. Ngoài phá, giảm tác động của sóng biển và gây bồi, đê trụ rỗng còn có ưu điểm là chi phí rẻ, độ ổn định được nâng cao.
ĐTR 304F được lắp đặt thử nghiệm ở Bạc Liêu. Ảnh: HL
Trước đó, Viện Thủy công cũng đã nghiên cứu đê trụ rỗng ĐTR 260 với chân răng, đã lắp đặt thử nghiệm tại bờ biển Tây Cà Mau và phát huy hiệu quả tốt. ĐTR 304 được Viện tiếp tục nghiên cứu với chân đáy phẳng, chiều cao hơn DTR 260 để có thể ứng dụng được ở vùng nước sâu và sóng đánh lớn hơn.
Kiều Anh