Hệ thống gồm 5 module, kết nối thành dây chuyền liên tục: (1) cụm cấp vải; (2) cụm cấp vải - gấp mép - hàn biên ngang của túi; (3) cụm gấp đôi vải; (4) cụm vũ; (5) cụm đột lỗ quai - hàn biên dọc túi - cắt túi. Đây là sản phẩm từ nhiệm vụ khoa học cấp thành phố "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy tự động sản xuất túi vải không dệt dán bằng siêu âm" do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chủ trì thực hiện, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2019.
Mặt hàng túi vải không dệt những năm gần đây được ưa chuộng do có nhiều ưu điểm như tiện lợi, sang trọng, giá thành chấp nhận được, dễ dàng chế tạo, mẫu mã và kiểu dáng đa dạng, phong phú, có khả năng tự huỷ cao, thân thiện với môi trường. Thị trường túi vải không dệt có tiềm năng rất lớn, nên số lượng các doanh nghiệp sản xuất túi vải không dệt trong nước ngày càng tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp còn sản xuất thủ công, năng suất thấp, khiến chi phí cao. Ngoài ra, nếu nhập dây chuyền tự động từ nước ngoài thì chi phí đầu tư cao và chi phí bảo hành, bảo dưỡng cũng là yếu tố khiến các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đổi mới công nghệ.
TS. Ngô Mạnh Dũng (đại diện nhóm nghiên cứu) cho biết, trên địa bàn TP.HCM có nhiều doanh nghiệp sản xuất túi vải không dệt đã đầu tư nhập hệ thống sản xuất tự động thay cho may thủ công. Thực tế khảo sát và tìm hiểu cho thấy, các doanh nghiệp vẫn mong muốn có thiết bị chế tạo trong nước với tổng chi phí khoảng 50% giá nhập từ các nước khối G7 hay 70-80% giá nhập từ Trung Quốc, Ấn độ (tổng chi phí cho mua máy và bảo hành bảo dưỡng 24 tháng). Vì vậy, nhóm tác giả đặt mục tiêu làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo hệ thống tự động sản xuất túi vải không dệt với tỷ lệ nội địa hóa cao; giải mã các công nghệ cao về siêu âm và ứng dụng công nghệ siêu âm để dán túi vải không dệt.
Kết quả, hệ thống thiết bị đã được chế tạo hoàn chỉnh và đưa vào sản xuất tại Công ty TNHH Thiết bị siêu âm Việt Nam (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Máy có kích thước 7.800x1.800x2.000 mm; năng suất trung bình 60 túi/phút; sử dụng vải không dệt loại 80 g/m2; sử dụng công nghệ hàn dán bằng siêu âm với tần số cộng hưởng 20kHz, công suất siêu âm 1.2 kW. Công suất máy tổng cộng 2,5 KW. Thời gian bảo hành 12 tháng phần cơ, 36 tháng phần siêu âm.
Quy trình vận hành: (1) Cuộn vải không dệt tử bộ phận cấp liệu sẽ được gấp 2 bên mép và được hàn tạo miệng túi. (2) Băng vải chạy qua khối tam giác định hình để gấp. (3) Vải đã gấp được chỉnh trùng mép và được hàn siêu âm theo chiều ngang tấm vải (tạo đường hàn bên hông chung cho 2 túi liền kề, giúp giảm bớt 1 đường hàn bên hông) sau đó tiếp tục đột lỗ quai cho túi. (4) Thực hiện cắt ngang ở giữa đường hàn, tạo ra túi thành phẩm.
Sản xuất thử nghiệm một số mẫu cho thấy, máy đạt độ ổn định cao, với ít hơn 3% lỗi sản phẩm. Chất lượng các mối hàn đạt các thông số theo tiêu chuẩn Việt Nam. Hệ thống dễ dàng điều chỉnh phù hợp với các kích cỡ túi khác nhau. Các loại túi sản xuất được trên máy này là túi sốc đáy có quai; túi sốc đáy không có quai, tay xách bằng lỗ hột xoài; túi cơ bản không sốc đáy, có quai; túi cơ bản không sốc đáy, có tay xách bằng lỗ hột xoài.
Theo nhóm tác giả, tổng chi phí cho mua máy và phí bảo hành bảo dưỡng 24 tháng khoảng 350 triệu đồng (không kèm gói bảo hành chỉ khoảng 220 triệu đồng), thấp hơn so với giá máy nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ (giá từ 400-700 triệu đồng, chưa tính phí bảo hành). Hiện tại, Công ty TNHH Thiết bị siêu âm Việt Nam cùng với nhóm nghiên cứu có thể chế tạo, cung ứng ra thị trường 2 máy/tháng.
Ngoài giá thành thấp, hệ thống tự động sản xuất túi vải không dệt còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí nhân công trong thời kỳ khan hiếm lao động phổ thông; giảm chi phí do lỗi sản phẩm, giảm không gian sản xuất và tăng năng suất sản phẩm. Theo tính toán, trung bình một túi vải không dệt được sản xuất bằng hệ thống tự động có tổng chi phí khoảng 220 đồng (chi phí cho công nhân lao động thủ công, không dưới 550 đồng/túi).
Nhóm tác giả đã làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo, nên có thể chủ động chế tạo tại nội địa, thay thế hàng ngoại nhập, phù hợp với mức đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, chi phí đào tạo nguồn nhân lực vận hành, cân chỉnh máy cũng được hỗ trợ với giá ưu đãi nhất. Vì vậy, nếu đưa vào ứng dụng rộng rãi sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho ngành may Việt Nam.
Vân Nguyễn (CESTI)