Hàm lượng nhôm cao trong nước ngầm ở một số vùng của tỉnh Bình Dương và biện pháp xử lý
08/11/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bách Khoa TP.HCM vừa tổ chức buổi hội thảo chuyên đề về đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân hàm lượng nhôm có trong nước ngầm cao ở một số vùng trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đề xuất các biện pháp xử lý”. Đề tài do PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ làm chủ nhiệm, dự kiến sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương nghiệm thu vào cuối năm.
Các tác giả đã trình bày và thảo luận xung quanh các báo cáo chuyên đề gồm: phân tích, đánh giá nhận xét, kiểm chứng thực địa và kiểm tra khả năng ô nhiễm tài nguyên nước dưới đất khu vực nghiên cứu; kết quả phân tích lát mỏng thạch học; cơ chế di chuyển nhôm vào trong nước dưới đất một số khu vực tỉnh Bình Dương; xử lý nhôm trong nước dưới đất...
Nghiên cứu cơ chế di chuyển nhôm vào trong nước dưới đất khu vực Bến Cát, Thuận An (tỉnh Bình Dương), nhóm tác giả tiến hành phân tích các khoáng vật chứa nhôm và thành phần nước thải từ các khu công nghiệp có chứa hàm lượng nhôm cao. Kết quả bước đầu cho thấy, có hai cơ chế di chuyển nhôm vào trong nước ngầm là cơ chế di chuyển nhôm từ trong tự nhiên và cơ chế di chuyển nhôm do hoạt động công nghiệp. Kết quả phân tích thành phần nước thải ở khu thoát nước thải từ các khu công nghiệp cho thấy hàm lượng nhôm cao. Các khu công nghiệp, các khu vực sản xuất gốm, sứ, gỗ, sơn, kim loại… đều có khả năng giải phóng nhôm vào trong môi trường. Cơ chế thấm nước thải vào trong nước dưới đất làm ô nhiễm các khu vực này đều đưa lượng nhôm chưa được xử lý vào các tầng chứa. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thí nghiệm xử lý nước làm giảm hàm lượng nhôm và sắt, nâng chỉ số pH lên đạt chuẩn nước sinh hoạt và đề suất sử dụng kết hợp hai phương pháp xử lý lọc chính là phương pháp hấp phụ và phương pháp trao đổi ion. Các vật liệu dùng cho hệ thống xử lý gồm cát sạn thạch anh, đá nâng pH, than hoạt tính và nhựa resin.
Lam Vân