Đào tạo kỹ năng khởi nghiệp
UPSHIFT được phát triển và tổ chức bởi UNICEF Kosovo từ năm 2014, là chương trình đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có ảnh hưởng tích cực đến xã hội dành cho các bạn trẻ từ 14 - 24 tuổi. Tại Việt Nam, UPSHIFT được triển khai thí điểm năm 2015, sau đó được điều chỉnh và triển khai như dự án thường niên nhằm đào tạo chuyên sâu các kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, kiến thức về khởi nghiệp xã hội (các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21); khuyến khích các bạn trẻ hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp xã hội ra cộng đồng thông qua những hỗ trợ về người hướng dẫn, tài chính, tư vấn hỗ trợ hiện thực hóa dự án; hướng tới việc xây dựng các doanh nghiệp xã hội trong tương lai. Từ năm 2018, chương trình sẽ được UNICEF và SIHUB triển khai dài hạn, xây dựng thành mô hình hoàn chỉnh để chuyển giao cho các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nhân rộng trên cả nước. Hiện SIHUB đang hỗ trợ UPSHIFT trong việc triển khai chương trình đến các trường trung học phổ thông và đại học trên địa bàn TP.HCM, đồng thời hỗ trợ không gian làm việc miễn phí cho chương trình.
Riêng tại TP.HCM, từ cuối năm 2017, UPSHIFT đã tuyển chọn 10 dự án khởi nghiệp xã hội khả thi và hỗ trợ về đào tạo kỹ năng, các kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển từ ý tưởng thành một kế hoạch thực hiện dự án hoàn chỉnh. Giai đoạn này có sự hỗ trợ của các chuyên gia do UNICEF, SIHUB và VYE (Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam) lựa chọn. Đến nay, chương trình đã lựa chọn 5 nhóm dự án vào giai đoạn ươm tạo. Cụ thể, 5 dự án được hỗ trợ về đào tạo kỹ năng (làm việc nhóm, gọi vốn, nghiên cứu thị trường,...) và có các cố vấn (mentor) riêng cho từng nhóm. Đội ngũ mentor là các nhà sáng lập và chủ doanh nghiệp đến từ mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME Mentoring) hoặc những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác xã hội. Đồng thời, chương trình cũng hỗ trợ các bạn trẻ cơ hội tiếp cận đến các nhà đầu tư; hỗ trợ tài chính để dự án có thể khởi động, triển khai thực tế chứng minh tính khả thi và hiệu quả dự án. Kết thúc giai đoạn ươm tạo, các dự án sẽ được chương trình hỗ trợ tiếp cận nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua thuyết trình gọi vốn tại buổi Demo day sẽ được tổ chức vào tháng 5/2018. Đây là cơ hội để các dự án hoàn thiện sản phẩm, phát triển ứng dụng vào thực tế.
Đại diện truyền thông của UPSHIFT cho biết, so với các chương trình vườn ươm khác dành cho startup thường chú trọng vào tính khả thi và khả năng sinh lời của dự án, UPSHIFT chú trọng hỗ trợ đào tạo phát triển con người về tư duy, kỹ năng, cách làm việc và thái độ nhiều hơn bởi các bạn còn rất trẻ. Việc nhận thức được vai trò của mình trong xã hội sẽ giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng ý tưởng và thành lập những doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội trong tương lai.
Dự án triển vọng
Nhiều dự án UPSHIFT hỗ trợ được đánh giá có triển vọng ứng dụng tốt. Tác giả của các dự án này đều là các học sinh, sinh viên khao khát ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảm khoảng cách, giúp đỡ các đối tượng bị thiệt thòi hòa nhập tốt hơn với cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có thể kể đến như:
- Dự án “Máy đọc sách thông minh cho người khiếm thị” của nhóm học sinh trường Phổ thông Năng khiếu nhằm giúp người khiếm thị dễ dàng tiếp cận thông tin hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào sách chữ nổi. Máy có thể đọc được nhiều khổ sách khác nhau, các văn bản dạng cột; nhỏ gọn, thuận tiện khi mang theo; đọc được tiếng Anh và tiếng Việt; giá thành không cao;
- Dự án “Cánh tay giả điều khiển bằng sóng não dành cho người khuyết tật”, tác giả Lê Mạnh Trường, sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa TP.HCM. Sản phẩm này có thể thay thế cho phần tay bị khiếm khuyết của con người để thực hiện một số hoạt động hằng ngày như đánh răng, ăn uống, bưng bê đồ vật nhẹ,... mà không cần thực hiện phẫu thuật như một số sản phẩm hiện có trên thị trường;
- Dự án “Vòng tay cảnh báo sớm động kinh” của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, với sản phẩm vòng đeo tay có thể cảnh báo sớm cơn động kinh kèm ứng dụng theo dõi sức khỏe của bệnh nhân trên smart phone;
- Dự án “Hộp đen - thiết bị hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại tai nạn cho người” nhằm chế tạo hộp đen để định vị và cảnh báo tai nạn cho trẻ em;…
Theo các bạn trẻ, các nhóm dự án đều được UPSHIFT hỗ trợ rất nhiều về các kỹ năng cần thiết trong quá trình thực hiện dự án, được tư vấn góp ý để nhóm có thể đi đúng hướng và kịp tiến độ dự án. Tuy nhiên, để sản phẩm được đưa vào ứng dụng thực tế, các bạn trẻ cần rất nhiều thời gian học hỏi kiến thức, kinh nghiệm cũng như các hỗ trợ thực tiễn để nâng cấp, hoàn thiện và tạo ra sản phẩm thực sự cho người dùng.
Lam Vân (CESTI)