Phân tích ổn định công trình đường hầm trong đất yếu ở TP.HCM trong quá trình thi công
23/07/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Trần Xuân Thọ (ĐH Bách khoa TP.HCM), ThS. Nguyễn Anh Tuấn (ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) thực hiện. Nhóm tác giả đã nghiên cứu tính toán và đưa ra những kết luận về trạng thái ứng suất – biến dạng của nền đất yếu xung quanh đường hầm metro trong điều kiện đất yếu TP.HCM trong quá trình thi công.
Theo đó, độ lún lớn nhất ở mặt đất thay đổi theo chiều sâu đặt hầm, độ sâu đặt hầm càng lớn thì độ lún ở bề mặt càng bé. Với độ sâu đặt hầm lớn hơn 3 lần đường kính thì biến dạng bề mặt do sự có mặt của hầm có giá trị không đáng kể. Giá trị chuyển vị theo phương ngang tại vị trí bề mặt đất giảm nhanh hơn theo chiều sâu đặt hầm so với chuyển vị đứng, có thể coi là không đáng kể khi ở chiều sâu đặt hầm lớn hơn 20m. Vùng ảnh hưởng lún khi tính toán theo sơ đồ bài toán phẳng lớn hơn so với khi tính toán theo sơ đồ không gian và giá trị độ lún tăng gấp 1,3 – 2 lần. Khi xây dựng hai hầm song song, nếu cự ly quá gần thì áp lực rất lớn và khối đất giữa hai hầm sẽ không chịu được và có thể bị phá hoại. Kết quả tính toán cho thấy, để hai hầm chịu lực độc lập thì khoảng cách giữa hai hẩm phải lớn hơn 20m.
LV (nguồn: TC Xây dựng, 1/2012)