Đánh giá nhu cầu dùng nước của tỉnh Bình Thuận dưới tác động biến đổi khí hậu
05/09/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Hà Thị Thuận (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường), Hoàng Văn Đại (Công ty Cổ phần Thiết bị Khí tượng Thủy văn và Môi trường) đã sử dụng công cụ CROPWAT và các tiêu chuẩn dùng nước của các ngành để đánh giá nhu cầu dùng nước trong tương lai của tỉnh Bình Thuận dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nghiên cứu chọn số liệu cho thời kỳ nền là bộ số liệu khí tượng từ năm 1980-1999 của hai trạm Hàm Tân và Phan Thiết. Nhu cầu dùng nước được tính dựa trên nguồn số liệu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu các ngành, kinh tế, dân số... trong báo cáo Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Bình Thuận năm 2012. Trên cơ sở kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (kịch bản phát thải trung bình B2), nhóm tác giả đã tính toán tổng nhu cầu dùng nước của từng lưu vực sông tỉnh Bình Thuận trong các thời kỳ (nền và tương lai).
Kêt quả cho thấy, tác động của BĐKH đã làm gia tăng mạnh nhu cầu dùng nước của tình Bình Thuận, mức độ gia tăng khoảng 71% vào giữa thế kỷ và 97% cuối thế kỷ. Nhu cầu dùng nước sẽ đạt ngưỡng lớn nhất vào giai đoạn 2080-2099 với tổng lượng nhu cầu 1,184 tỷ m3/năm, tăng 582 triệu m3 so với thời kỳ nền. Nguyên nhân chính là do phần lớn diện tích đất trong tỉnh được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, và một phần nhỏ là sự gia tăng do phát triển công nghiệp và các ngành khác. Do đó, cần nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội sao cho hài hòa với nguồn nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước để tránh gây áp lực cho nguồn nước hiện tại và tương lai.
TN (nguồn: TC Khí tượng Thủy văn, tháng 2/2014)