Ở thị trường quốc tế, có nhiều chương trình nhận dạng, quảng bá và bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm như Chỉ dẫn xuất xứ (Protected Designation of Origin - PDO), Chỉ dẫn địa lý (Protected Geographical Indication - PGI) và Đảm bảo đặc sản truyền thống (Traditional Specialities Guaranteed - TSG). Để vào được thị trường quốc tế, nông sản Việt Nam cần được đơn vị tin cậy chứng nhận.
Thông qua việc sử dụng các thiết bị khối phổ tỷ lệ đồng vị (Isotope Ratio Mass Spectrometry - IRMS) mới nhất cùng các phương pháp phân tích vi sinh - dinh dưỡng để xác nhận nguồn gốc sản phẩm, Hoàn Vũ tham gia vào quá trình bảo vệ sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách kiểm định nhằm chống lại việc gian lận, che giấu hay làm giả chất lượng nông sản và thực phẩm (pha trộn hay nguyên chất, nguồn gốc vô cơ hay hữu cơ, có an toàn không hay tồn dư hóa chất…). Hoàn Vũ là đơn vị kiểm tra và chứng nhận cho khoảng 90% lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Khối phổ, hay còn được gọi là quang phổ khối, là kỹ thuật dùng để đo đạc tỉ lệ khối lượng trên điện tích của ion. Theo đó, các chất hóa học được xác định bằng cách phân tách các ion khí trong điện trường và từ trường theo tỷ lệ khối lượng của chúng, do hóa chất khác nhau thì có khối lượng phân tử khác nhau. Cụ thể hơn, kỹ thuật khối phổ có những ứng dụng cụ thể như:
• Xác định các hợp chất chưa biết bằng cách dựa vào khối lượng của phân tử hợp chất hay từng phần tách riêng của nó.
• Xác định kết cấu chất đồng vị của các thành phần trong hợp chất.
• Xác định cấu trúc của một hợp chất bằng cách quan sát từng phần tách riêng của nó
• Định lượng lượng hợp chất trong một mẫu dùng các phương pháp khác (phương pháp khối phổ vốn không phải là định lượng).
• Nghiên cứu cơ sở của hóa học ion thể khí (ngành hóa học về ion và chất trung tính trong chân không).
• Xác định các thuộc tính vật lý, hóa học hay ngay cả sinh học của hợp chất với nhiều hướng tiếp cận khác nhau.
Ví dụ, chỉ số đồng vị δ15N sẽ cho biết rau củ quả dùng phân bón hữu cơ hay pha trộn phân bón vô cơ vào quá trình canh tác:
• Sản phẩm hữu cơ có chỉ số đồng vị δ15N >= 8‰.
• Sản phẩm dùng phân bón vô cơ có chỉ số đồng vị δ15N < 8‰.
Đó là do phân bón vô cơ cho giá trị δ15N thấp (-3‰ đến +6‰) trong khi phân bón hữu cơ cho giá trị δ15N cao hơn (+8‰ đến +28‰).
Theo đó, những nghi vấn thông thường như thủy hải sản nuôi hay đánh bắt tự nhiên, thực phẩm hữu cơ hay vô cơ, động vật ăn cỏ hay ăn ngũ cốc… sẽ được chứng minh và xác thực rõ ràng, minh bạch với cứ liệu cụ thể. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp xác thực và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ quy trình chế biến sản phẩm và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Không chỉ thế, thông qua quá trình phân tích tỷ lệ đồng vị bền (carbon, nitrogen, sulfur, oxygen, hydrogen) trong sản phẩm, có thể phát hiện được nhiều trường hợp gian lận thực phẩm như pha trộn dầu rẻ tiền vào dầu olive, pha loãng hoặc tăng độ ngọt vào nước ép trái cây, xác định nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho thịt cá, sữa, nông sản…
Tùy từng trường hợp sẽ có những ngoại lệ nhất định. Chẳng hạn như việc phân tích hàm lượng đường C4 (đường mía, đường bắp, …) bằng phương pháp tỉ lệ đồng vị C13/C12 (EA-IRMS) có thể phát hiện gian lận trộn đường vào mật ong nhằm tăng tỷ lệ % saccarozo có trong mẫu thử. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì sẽ không phát hiện được việc trộn đường corn syrup (thành phần chủ yếu là glucozo và fructozo). Do đó, đối với mật ong, Hoàn Vũ sử dụng phương pháp tỷ lệ đồng vị C13/C12 ghép nối sắc kí lỏng (LC-IRMS) tối ưu hơn. Ngoài ra, Hoàn Vũ còn có thể phân biệt sản phẩm thật/giả (nguyên chất hay có tạp) bằng phương pháp tỷ lệ đồng vị C13/C12, N15/N14, O18/O16.
Kim Hoàn
Để tham khảo thêm hàng ngàn công nghệ sẵn sàng chuyển giao vào sản xuất, kinh doanh
mời Quý bạn đọc truy cập vào Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo
và Chuyển giao công nghệ, tại địa chỉ: www.techport.vn