SpStinet - vwpChiTiet

 

Sẽ có công cụ mới giúp tra cứu về sở hữu trí tuệ

Từ tháng 7/2019, cơ sở dữ liệu trực tuyến đầu tiên về sở hữu trí tuệ công nghiệp tại Việt Nam sẽ chính thức được thiết lập nhằm phục vụ cộng đồng.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết Dự án

Từ tháng 7/2019, cơ sở dữ liệu trực tuyến đầu tiên về sở hữu trí tuệ công nghiệp tại Việt Nam sẽ chính thức được thiết lập nhằm phục vụ cộng đồng.

Đây là kết quả của Dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ chủ trì. 

Tại Hội nghị tổng kết Dự án diễn ra ngày 16/5/2019, TS. Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho biết, Dự án góp phần phát triển thị trường KH&CN thông qua việc cung cấp thông tin và tư vấn cần thiết cho doanh nghiệp, giúp họ đưa ra các quyết định liên quan đến tài sản trí tuệ của mình trong thời hạn quy định như các thủ tục liên quan đến duy trì, gia hạn, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp,…

Theo TS. Tạ Quang Minh, đây là nền tảng rất khác với các công cụ đã có trước đó. Nền tảng có các dịch vụ và cơ sở dữ liệu gia tăng, cung cấp thông tin sâu hơn lịch sử pháp lý rất lớn về một sáng chế cụ thể, phục vụ nhiều người dùng khác nhau... nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân về thông tin sở hữu trí tuệ trong công nghiệp.

Nền tảng có 4 module là tra cứu, dịch vụ cập nhật thông tin và sàn giao dịch, nhằm cập nhật, khai thác, cung cấp dịch vụ liên quan và trao đổi dịch vụ liên quan tới sở hữu trí tuệ về các phát minh, sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu, mẫu mã…; giúp doanh nghiệp nghiên cứu, phát minh, phát triển công nghệ và đăng ký sở hữu trí tuệ, tránh đầu tư cho các nghiên cứu, sáng chế, công nghệ đã có; là cơ sở để xác định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khai thác, sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ...

Đối với các cơ quan quản lý, nền tảng này giúp thực thi các hoạt động cấp phép, bảo hộ, thống kê, nghiên cứu về sở hữu trí tuệ.

Với module Sàn giao dịch khoa học công nghệ, người dùng có thể tra cứu các thông tin về công nghệ; chào bán hoặc mua, trao đổi các sáng chế; tìm các tổ chức trung gian giúp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc giao dịch công nghệ…

Để tăng tính tiếp cận, người dùng có thể truy cập nền tảng, cơ sở dữ liệu chỉ với một vài từ khóa trên công cụ tìm kiếm Google, thông qua nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh thuộc các hệ điều hành hiện có.

Theo TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, đây là một trong những dự án giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập rất tốt. Tuy nhiên, TS. Mai Hà cũng bày tỏ mong muốn cơ sở dữ liệu đáp ứng được hai tiêu chí về tính thân thiện của ứng dụng và mức độ cập nhật thông tin.

Hiện nay, nền tảng đang được vận hành thử nghiệm tại địa chỉ http://ipplatform.vipri.gov.vn để lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện. Sau khi được nghiệm thu, tháng 7/2019, cơ sở dữ liệu sẽ chính thức vận hành tại 3 địa chỉ http://ipplatform.vipri.gov.vn; http://ipdata.gov.vn; http://vipri.gov.vn.

Diệu Huyền

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả