Quy trình nhân giống cây khôi tía bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro
22/04/2020
KH&CN trong nước
Quy trình của tác giả Nguyễn Văn Việt và Bùi Văn Thắng, được cấp bằng bảo hộ giải pháp hữu ích tại Việt Nam số VN 2-0001914. Trong đó, vật liệu nuôi cấy là chồi bánh tẻ được thu từ các cây mẹ trồng tại vườn cây thuốc Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp.
Cây khôi tía (Ardisia sylvestris Pitard) còn có các tên gọi khác là cơm nguội rừng, độc lực, đơn tướng quân hay lá khô. Đây là loài thực vật thuộc họ đơn nem (Myrsinaceae). Ở Việt Nam, khôi tía phân bố rải rác ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng. Theo y học cổ truyền, lá khôi tía có thành phần chủ yếu là tannin, các glycosid có tác dụng chống viêm, giảm đau, làm giảm sự gia tăng acid của dạ dày và đặc biệt có tác dụng làm se vết loét, kích thích lên da non và làm lành vết thương trong đường tiêu hóa. Đây là một loại dược liệu quý cần được nhân giống và bảo tồn nhưng vẫn chưa có phương pháp bảo tồn và nhân giống nhanh nguồn gen quý giá này.
Cũng như các loài cây dược liệu nói chung, cây khôi tía trong tự nhiên đang bị giảm về số lượng và chất lượng bởi sự khai thác quá mức, cộng với điều kiện ngày càng bất lợi của môi trường tự nhiên. Vì vậy, để bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý hiếm, cần ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy in vitro để lưu giữ nguồn gen và sản xuất hàng loại cây giống chất lượng cao.
Quy trình nhân giống cây khôi tía bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro: xử lý mẫu và nuôi cấy khởi động, nhân nhanh chồi, tạo cây hoàn chỉnh trong môi trường nuôi cấy in vitro thích nghi với môi trường tự nhiên.
Cây khôi tía được sản xuất bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro với hiệu suất đạt hơn 90%, khắc phục được những khó khăn trong sản xuất giống cây dược liệu bằng phương pháp truyền thống (chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng, cũng như phụ thuộc lớn vào mùa vụ, không chủ động được nguồn cây giống).
Anh Phương (CESTI)