SpStinet - vwpChiTiet

 

Nâng cao hiệu quả canh tác đậu phộng bằng cơ giới hóa

Hệ thống máy gieo trồng và thu hoạch đậu phộng (lạc) vừa được nhóm nghiên cứu ở Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chế tạo thành công qua đề tài “Nghiên cứu, chế tạo và khảo nghiệm hệ thống máy gieo trồng và thu hoạch đậu phộng phục vụ quy trình canh tác phổ biến tại các tỉnh phía Nam”.

Cơ giới hóa các khâu canh tác đậu phộng

Hệ thống gồm máy gieo hạt đa năng 5 hàng MGL-5, máy đào giũ lạc MĐGL-1,2 và máy bứt quả lạc MBL-300 phục vụ cho mục tiêu ứng dụng cơ giới hóa các khâu canh tác đậu phộng nhằm giảm chi phí, nhân công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu tháng 11/2018.

TS. Lâm Trần Vũ (chủ nhiệm đề tài) cho biết, các công trình nghiên cứu và thực tế ứng dụng cơ giới hóa sản xuất đậu phộng trên thế giới có nhiều tiến bộ. Các nước Âu - Mỹ - Úc sử dụng máy móc lớn, hiện đại cho sản xuất quy mô lớn. Các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ sử dụng các máy không phức tạp, phù hợp với tập quán canh tác của từng địa phương. Việt Nam đã nhập một số máy để thử nghiệm, nhưng chưa nhân rộng được. Trong nước đã có những công trình nghiên cứu cho kết quả đáng khích lệ, nhưng mới dừng ở mẫu máy, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật chưa cao, chưa được ứng dụng rộng rãi. Trong đó, việc cơ giới hóa khâu thu hoạch đậu phộng trong nước hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, nên chủ yếu quá trình thu hoạch đậu phộng vẫn là thủ công, được tiến hành theo hai giai đoạn là nhổ đậu phộng và bứt trái. Theo đó, người ta nhổ và bứt tươi bằng tay (như ở Trà Vinh) hoặc có thể phơi 2-4 ngày trước khi bứt (như ở Long An).

Các loại máy gieo, đào - giũ và bứt quả đậu phộng được nhóm tác giả chế tạo hoàn toàn trong nước, đáp ứng yêu cầu về hệ thống máy canh tác đậu phộng theo hướng cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, máy gieo hạt MGL-5 được thiết kế theo kiểu khí động sử dụng để gieo hàng hẹp. Máy có bề rộng làm việc 1,0 m, có thể gieo 5 hàng trên liếp, khoảng cách rãnh tưới tiêu 1,25m với kết cấu gồm bộ phận rạch hàng loại đĩa, bộ phận gieo hạt, bộ phận tạo khí động để hút, giữ hạt trên đĩa gieo, bộ phận lấp hạt – nén đất, bộ phận lên liếp, bộ phận san phẳng mặt liếp dạng tấm cong, khung máy liên kết chắc chắn các bộ phận chức năng với nhau và với máy kéo. Khi vận hành, máy rạch hàng tạo rãnh đủ chiều sâu gieo hạt, sau đó thả hạt từ ngăn chứa hạt xuống rãnh (với khoảng cách theo yêu cầu), sau đó phủ một lớp đất kín hạt giống và nén nhẹ cho hạt được tiếp xúc tốt với đất để hút ẩm tốt hơn (đủ ẩm trong 24 giờ đầu sau gieo rất quan trọng cho hạt nẩy mầm). Tiếp đến là công đoạn lên liếp để tạo rãnh tưới tiêu và san phần đất do bộ phận lên liếp hất lên mặt liếp (làm phần mép liếp cao hơn phần giữa). Khi vận hành, cần 1 người lái máy kéo và có thể 1 người phụ (quan sát, điều chỉnh, bổ sung hạt giống,…).

Máy bứt quả lạc MBL-300 theo nguyên lý đập dọc trục trong thu hoạch cây có hạt, được hoàn thiện từ mẫu máy BL-500 của đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh lạc có ứng dụng cơ giới hóa trên vùng đất xám Đức Hòa - Long An”, với kết cấu gồm máy kéo 4 bánh, trống đập dọc trục, quạt hút ly tâm, các sàng tạp chất; các thông số kỹ thuật của bộ phận cung cấp, bộ phận đập, bộ phận sàng phân loại và làm sạch, bộ phận truyền động, bộ phận di động và khung máy được hoàn thiện. Máy MBL-300 đã được nhóm nghiên cứu nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Máy đào-giũ đậu phộng MĐGL-1,2 theo nguyên lý hoạt động của các máy đào, giũ, bề rộng làm việc 1,23 m. Các mẫu máy đã được đưa vào khảo nghiệm thực tế trên đồng ruộng ở Long An. Kết quả cho thấy, máy gieo đậu phộng MGL-5 năng suất 0,34 ha/giờ, tỷ lệ gieo 1 hạt/hốc, tỷ lệ hạt nảy mầm ≥ 90%; máy hoạt động tốt, ổn định, đặc biệt không gây tổn thương hạt gieo và có thể gieo tốt nhiều loại hạt như đậu phộng, ngô, đậu tương, lúa,… Máy đào giũ đậu phộng MĐGL-1,2 có năng suất 0,3 - 0,4 ha/giờ, tỷ lệ sót sau đào ≤3%, tỷ lệ giũ sạch đất ≥80%. Máy bứt quả đậu phộng MBL-300 đạt năng suất 300 kg quả/giờ, tỷ lệ bứt sót ≤0,5%, tỷ lệ vỡ quả ≤ 2,6%, tỷ lệ tạp chất 9,3%. Cả 3 máy làm việc liên hợp treo sau máy kéo 4 bánh 35HP.

Theo tính toán của nhóm tác giả, sử dụng máy MBL-300 giúp giảm chi phí so với phương pháp thủ công 45,26%, hiệu quả vốn đầu tư đạt 4,53 lần, thời gian thu hồi vốn là 1 năm, giảm 90,4% công lao động so với thủ công. Với máy MGL-5, giảm chi phí khâu gieo 34,3% so với thủ công, hiệu quả vốn đầu tư đạt 1,28 lần, thời gian thu hồi vốn là 1,6 năm.

Có thể chuyển giao cho sản xuất

Theo TS. Lâm Trần Vũ, sản xuất đậu phộng ở Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng có xu hướng sụt giảm diện tích gieo trồng, do hiệu quả thấp (lãi chỉ khoảng 7 triệu đồng/ha/vụ). Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, canh tác lạc hậu, chi phí công lao động cao. Trong khi đó, hàng năm nước ta phải nhập tới 60% nguyên liệu (có nguồn gốc từ nông sản) phục vụ ngành chế biến thức ăn gia súc, hay hàng trăm ngàn tấn đậu phộng nguyên liệu cho ngành chế biến dầu thực vật. Đặc biệt, phụ phẩm cho chế biến dầu đậu phộng là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tổng ngoại tệ chi cho việc nhập khẩu các nguyên liệu này ước đạt gần 3 tỷ USD (gần tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 4 loại cây trồng cạn là bắp, đậu nành, đậu phộng và mè đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay ở các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy việc cơ giới hóa các khâu canh tác đậu phộng nhằm giảm chi phí công lao động và giá thành là rất cần thiết.

Hệ thống máy gieo đậu phộng kiểu khí động; máy đào-giũ đậu phộng và máy bứt quả đậu phộng có năng suất cao, phù hợp hệ thống canh tác, thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật nông học và đạt được các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cao, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác đậu phộng, nâng cao thu nhập cho người trồng đậu phộng nhờ tiết giảm chi phí sản xuất; khắc phục thiếu hụt lao động nông thôn và giảm tính căng thẳng mùa vụ trong thời gian canh tác.

Máy gieo hạt MGL-5 và máy bứt quả đậu phộng MBL-300 hiện đã có thể chuyển giao cho sản xuất. Tuy nhiên, trong nước chưa có nơi chế tạo, thương mại hóa các loại máy này, nên nhóm nghiên cứu đang đề xuất thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lạc quy mô 5 ha” để hoàn thiện và ứng dụng 3 mẫu máy này vào sản xuất và đánh giá hiệu quả kinh tế. Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án, kết quả sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp có nhu cầu hoặc chế tạo máy để cung cấp trực tiếp cho nông dân (giá thành khoảng 50 triệu đồng/máy).

Vân Nguyễn (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả