Bảo quản vải thiều bằng phương pháp kiểm soát khí quyển
01/11/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nghiên cứu xác định một số đặc tính sinh lý và sự biến đổi sinh hóa của quả vải thiều trong môi trường kiểm soát khí quyển (CA - Controllled atmosphere) làm cơ sở để xây dựng quy trình công nghệ bảo quản vải thiều bằng phương pháp điều chỉnh khí quyển. Nhóm tác giả thực hiện gồm Phạm Anh Tuấn và Phạm Thị Thanh Tĩnh, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch.
Nội dung nghiên cứu thuộc đề tài trọng điểm cấp Bộ NN&PTNN "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị điều chỉnh khí (CA-Controlled atmosphere) ứng dụng trong bảo quản một số loại rau, quả, hoa tươi" (2011-2013).
Nguyên liệu thí nghiệm là giống vải thiều Thanh Hà trồng tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Các thực nghiệm được tiến hành trên hệ thống thiết bị thí nghiệm CA đa chức năng là sản phẩm của đề tài, có thể điều khiển giám sát được 4 thông số gồm nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí O2 và nồng độ khí CO2 với độ chính xác cao.
Kết quả xác định được chế độ bảo quản CA thích hợp với nhiệt độ 4,35±0,5 độ C, nồng độ khí O2 4,21±0,5%, nồng độ khí CO2 7,0±0,5% và độ ẩm 90±2%. Sau 35 ngày bảo quản, vải thiều Lục Ngạn vẫn đạt yêu cầu chất lượng cảm quan, dinh dưỡng và có khả năng duy trì chất lượng thương mại ở điều kiện bảo quản lạnh 4 độ C trong vòng 3-5 ngày.
Vải thiều là loại quả thơm ngon, giàu dinh dưỡng nhưng có mùa vụ thu hoạch ngắn và rất khó bảo quản. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp kiểm soát khí quyển có hiệu ứng tích cực trong việc kéo dài thời gian bảo quản, duy trì chất lượng dinh dưỡng, cảm quan và an toàn thực phẩm cho sản phẩm vải thiều Lục ngạn.
TN (nguồn: TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - số 16/2014)