Thành phần nấm ngoại cộng sinh với bạch đàn và thông.
06/01/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong đề tài nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS. Phạm Quang Thu (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) và Đăng Như Quỳnh trình bày những kết quả về điều tra thành phần loài nấm cộng sinh cho bạch đàn và thông; phân lập thuần khiết một số loài nấm ngoại công sinh để tuyển chọn loài, chủng có hiệu lực cộng sinh cao ứng dụng chúng trong sản xuất cây con và trồng rừng trên các lập địa thoái hóa, nghèo chất dinh dưỡng.
Những năm gần đây, thông và bạch đàn là hai loài cây trồng chủ lực trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc và trồng rừng nguyên liệu ở Việt Nam. Tuy nhiên, đất để trồng rừng chủ yếu là đất thoái hóa, nghèo chất dinh dưỡng, dịch bệnh do khí hậu nóng ẩm dẫn đến năng suất không cao. Vấn đề chăm sóc, bảo vệ rừng bạch đàn và thông đang được quan tâm, nhằm tìm ra biện pháp phòng trừ có hiệu quả đảm bảo về mặt kinh tế và sinh thái. Nấm cộng ngoại sinh với thông và bạch đàn là giải pháp hữu hiệu trong việc tạo ra những cây con có chất lượng cao cho trồng rừng vì nấm ngoại cộng sinh không chỉ có tác dụng phân giải các hợp chất lân khó tan, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt trên các lập địa thoái hóa, nghèo chất dinh dưỡng mà còn có khả năng phòng chống các nấm bệnh vùng rễ cho cây trồng. Kết quả nghiên cứu là thu thập và giám định được 33 mẫu nấm ngoại cộng sinh, trong đó có 16 loài cộng sinh với thông, 14 loài cộng sinh với bạch đàn và 3 loài cộng sinh với cả thông và bạch đàn. Trong số 33 loài có 15 loài có khả năng phân lập và nuôi cấy thuần khiết trong môi trường nhân tạo (6 loài cộng sinh với thông, 6 loài cộng sinh với bạch đàn, 3 loài cộng sinh với cả thông và bạch đàn). Tỷ lệ thành công trong phân lập nấm ngoại cộng sinh với thông là 40%, với bạch đàn là 42,9%. Tốc độ sinh trưởng nấm của các loài tương đối khác nhau, có 4 loài nấm sinh trưởng nhanh, 8 loài trung bình và 3 loài sinh trưởng chậm. Đây là nguồn gen về các nấm ngoại cộng sinh cho những nghiên cứu về khả năng cộng sinh và ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
HT (Theo Tạp Chí NN & Phát Triển Nông Nghiệp-số 18-tháng 11/2007)