Ngành KH&CN triển khai các nhiệm vụ cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh minh họa
10 nhiệm vụ đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch
Ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Bộ KH&CN đã khẩn trương huy động lực lượng là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực truyền nhiễm, dịch tễ, sinh học phân tử, vaccine, y học thảm họa... và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống, ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát, sản xuất vaccine phòng dịch COVID-19.
Năm 2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt 10 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19; huy động hiệu quả mạng lưới đại diện KHCN tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch; thúc đẩy hợp tác công-tư trong các nhiệm vụ nghiên cứu.
Sau quá trình triển khai, các kết quả đạt được gồm: Nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2 (do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện), góp phần nghiên cứu sâu hơn về virus, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, sản xuất kháng thể đơn dòng và vaccine.
Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện), đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm cho phép lưu hành toàn cầu. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chứng minh khả năng nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 của Việt Nam ngang tầm với các nước trên thế giới.
Sản phẩm vaccine phòng COVID-19 Nanocovax (do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu sản xuất, Bộ KH&CN hỗ trợ 30% kinh phí nghiên cứu) được thử nghiệm lâm sàng trong tháng 12/2020. Điều này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, sự cố gắng vượt bậc của doanh nghiệp, mang lại nhiều hy vọng cho nhân dân cả nước và quốc tế trong lúc dịch bệnh vẫn đang bùng phát trên thế giới và Việt Nam.
Chia sẻ về nhiệm vụ nghiên cứu vaccine, Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, chỉ sau 6 tháng được Bộ KH&CN giao chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19, với sự cố gắng, phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, nhà khoa học, trường đại học, đến nay, sản phẩm vaccine đầu tiên Nanocovax phòng COVID-19 đã được phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 trên người. Trong khi đó, thời gian bình thường để sản xuất một loại vaccine phải cần từ 10 năm-15 năm.
Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam khi vaccine của nước ta là một trong 50 vaccine trên thế giới được phép thử lâm sàng trên người. Hiện nay, việc thử nghiệm vaccine đang được tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt. Nếu thuận lợi, cuối năm 2021, vaccine này có thể được sử dụng để phòng COVID-19.
Ngoài ra, phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Công nghệ DTT điều phối Hệ tri thức Việt số hóa (iTrithuc) triển khai miễn phí ứng dụng Microsoft Teams-nền tảng hỗ trợ day học trực tuyến và tương tác trực tuyến trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên toàn quốc; tập trung ưu tiên phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 như xây dựng bản đồ vùng dịch (sử dụng Vmap), theo dõi (tracking) di chuyển và biến động của khách nước ngoài tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế...
Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN phòng, chống dịch COVID-19 cũng như kết quả nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và xã hội, các tổ chức KHCN, các nhà khoa học Việt Nam và cũng chứng minh rằng nền KHCN nước nhà đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các "bài toán" của đất nước.
Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Ngoài ra, thấu hiểu khó khăn và những yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp, Bộ KH&CN cũng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin KHCN hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh vượt qua dịch bệnh.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, Tổng cục đã kịp thời cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…); lĩnh vực về quản lý rủi ro; hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ đạo Viện Đo lường Việt Nam, các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tập trung, ưu tiên cơ sở vật chất, nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang y tế,… thông qua các hoạt động đo lường, thử nghiệm.
Trong năm 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp hỗ trợ Tập đoàn Vingroup sản xuất máy thở thông qua hỗ trợ về đo lường, đánh giá chứng nhận; tổ chức nhiều khóa đào tạo miễn phí cho doanh nghiệp về giải pháp quản trị để ổn định sản xuất kinh doanh, cải tiến năng suất lao động sau đại dịch COVID-19; tham mưu Bộ KH&CN kiến nghị Bộ Tài chính giảm 50% mức phí đối với việc đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài…
Những biện pháp trên giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận trực tiếp yêu cầu của quốc gia và quy định mới nhất của quốc tế để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an toàn của người dân và cộng đồng xã hội cũng như tận dụng các cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang tập trung thực hiện Quyết định số 2446 ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai cam kết rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) trong Hiệp định EVFTA, trong đó có các hoạt động liên quan tới tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp về cam kết, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp với EU, cảnh báo biện pháp TBT của thị trường EU, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang EU trong thời gian tới. Đồng thời, triển khai Đề án áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá giai đoạn 2021-2030…
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, triển khai Nghị quyết số 01,02 của Chính phủ, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm việc: Cung cấp thông tin KHCN, tiêu chuẩn kỹ thuật kịp thời phục vụ hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19; chủ động bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phòng, chống dịch COVID-19, tập trung nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine; triển khai các giải pháp cụ thể trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch.
Nguồn: most.gov.vn