Tổng quan thị trường
Ngày nay, nông sản không rõ nguồn gốc đang là mối lo của nhiều người, bởi ngoài chuyện không đảm bảo chất lượng, còn có thể gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Riêng về xuất xứ, dù xuất phát điểm có cùng một nguồn giống, nhưng nông sản nuôi trồng ở các địa phương khác nhau sẽ có chất lượng khác nhau, do khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu. Đó là chưa kể tình trạng hàng giả, hàng nhái lẫn lộn, rất khó kiểm soát bằng mắt thường.
Thực trạng kể trên đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động phân tích thành phần dinh dưỡng để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, cũng như làm rõ về quá trình nuôi trồng, chế biến, giúp người tiêu dùng trong nước an tâm tiêu thụ, cũng như có cơ hội xuất khẩu nông sản vào những thị trường quốc tế khó tính.
Phương pháp khối phổ
Một trong những phương thức đánh giá chất lượng nông sản đang được áp dụng là khối phổ. Đây là kỹ thuật phân tích hóa học, giúp xác định hàm lượng và loại chất hóa học có trong một mẫu, bằng cách đo tỷ lệ khối lượng trên điện tích và số lượng của các ion pha khí. Khối phổ xác định các đồng vị (kể cả đồng vị phóng xạ và đồng vị bền) dựa trên tỷ số khối lượng/điện tích (m/z) của chúng, bao gồm các quá trình: nạp mẫu, hóa hơi và nguyên tử hóa, tách các ion theo giá trị m/z và cuối cùng là phát hiện từng ion có giá trị m/z riêng.
Mô hình khối phổ.
Khối phổ bao gồm 5 thành phần cơ bản: hệ thống chân không cao; hệ thống xử lý mẫu, nguồn ion, máy phân tích, và đầu dò hoặc máy thu. Thiết bị dùng trong phổ khối gọi là máy phổ khối, cho phép tách các đồng vị và đo độ giàu của các đồng vị đậm đặc, khi sử dụng làm chất đánh dấu trong hóa học, sinh học và y học.
Nguyên lý hoạt động: các hóa chất khác nhau có khối lượng phân tử khác nhau. Dựa vào đó, máy khối phổ sẽ xác định các chất hóa học nằm trong mẫu. Ví dụ, muối NaCl hấp thụ năng lượng, tách ra thành các phân tử tích điện, gọi là ion (các ion Na+, Cl- có trọng lượng nguyên tử khác biệt). Do ion tích điện, đường đi của chúng có thể điều khiển bằng điện trường hoặc từ trường. Các ion được đưa vào buồng gia tốc. Một từ trường được đưa vào buồng gia tốc để tác động vào các ion với cùng một lực, làm chệch hướng di chuyển của chúng về phía đầu đo. Vì gia tốc tỉ lệ nghịch với khối lượng của phân tử, ion nhẹ sẽ bị chệch hướng nhiều hơn so với các ion nặng. Đầu đo xác định độ chệch của ion, và từ giá trị này, tỉ lệ khối lượng/điện tích của ion có thể tính được, nên xác định được thành phần hóa học của một mẫu gốc.
Trong thực tế, khối phổ được ứng dụng để xác định đồng vị của các nguyên tố hóa học, khối lượng chính xác và độ giàu tương đối của chúng; niên đại của mẫu địa chất, phân tích các hóa chất vô cơ và hữu cơ (đặc biệt hữu ích đối với trường hợp mẫu chứa một lượng nhỏ tạp chất); xác định công thức cấu trúc của các chất hữu cơ phức tạp, độ mạnh của các liên kết hóa học và năng lượng cần thiết để tạo ra các ion cụ thể; các sản phẩm phân hủy ion và phân tích các vật liệu chưa biết.
Vận hành máy khối phổ.
Trong nhiều thập kỷ qua, các loại máy dùng trong khối phổ có thể kể đến là: máy khối phổ ion hóa nhiệt (TIMS), máy khối phổ ion thứ cấp (SIMS), máy khối phổ nguồn tia lửa điện (SSMS), máy khối phổ ion hóa laze (LIMS), máy đầu dò ion phân giải cao (SHRIMP), máy khối phổ plasma cảm ứng (ICP-MS) và gần đây là máy khối phổ so sánh tỉ lệ đồng vị (Isotope ratio mass spectrometer - IRMS).
Ứng dụng trong chứng minh nguồn gốc, chất lượng nông sản Việt Nam
Thông thường, việc đánh giá chất lượng mật ong (có trộn đường, tỉ lệ trộn) căn cứ theo tỉ lệ saccarozo có trong mẫu. Nhưng nếu trộn đường corn syrup (thành phần chủ yếu là glucozo và fructozo) thì cách đánh giá này lại không đúng. Để giải quyết vấn đề, có thể dùng phương pháp tỉ lệ đồng vị C13/C12 (EA-IRMS) để phân tích hàm lượng đường C4 (trong đường mía, đường bắp). Tuy nhiên, nếu trộn đường C3 (củ cải đường, …) có tỉ lệ đồng vị C13/C12 giống với mật ong thì phương pháp này cũng không đánh giá chính xác được chất lượng sản phẩm. Công ty TNHH MTV KHCN Hoàn Vũ đã tiến hành triển khai phương pháp tỉ lệ đồng vị C13/C12 ghép nối sắc kí lỏng (LC- IRMS), cho phép giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng có thể phân biệt sản phẩm thật/giả (nguyên chất hay có pha tạp) bằng phương pháp tỉ lệ đồng vị C13/C12, N15/N14, O18/O16. Đây cũng là lý do giúp các kết quả phân tích mật ong của Hoàn Vũ được các thị trường châu Âu và Mỹ chấp nhận (90% mật ong Việt Nam xuất khẩu vào 2 thị trường khó tính này là do Hoàn Vũ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng).
Không chỉ riêng mật ong, thông qua quá trình phân tích tỷ lệ đồng vị bền (carbon, nitrogen, sulfur, oxygen, hydrogen) trong các loại nông sản và thực phẩm, có thể phát hiện được nhiều trường hợp gian lận thực phẩm (pha trộn dầu rẻ tiền vào dầu olive, pha loãng hoặc tăng độ ngọt vào nước ép trái cây, xác định nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho thịt cá, sữa, nông sản…). Vì thế, giải pháp này cũng giúp doanh nghiệp chứng minh được chất lượng sản phẩm, xác thực và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ quy trình chế biến sản phẩm để có các biện pháp can thiệp kịp thời khi cần.
Ví dụ, chỉ số đồng vị δ15N sẽ cho biết rau, củ, quả dùng phân hữu cơ hay pha trộn phân vô cơ trong quá trình canh tác: sản phẩm hữu cơ có chỉ số đồng vị δ15N >= 8 ‰, nếu dùng phân vô cơ thì δ15N < 8 ‰. Đó là do phân vô cơ cho giá trị δ15N thấp (-3‰ đến +6 ‰), trong khi phân hữu cơ cho giá trị δ15N cao hơn (+8‰ đến +28‰).
Hoàn Vũ hiện đang sở hữu và sử dụng nhiều loại máy khối phổ cùng các phương pháp phân tích vi sinh – dinh dưỡng để xác nhận nguồn gốc sản phẩm, truy tìm xuất xứ, phân tích vi lượng kháng sinh và độc tố, phân tích hàm lượng chất bảo quản, phân tích hàm lượng kim loại, ví dụ như: thiết bị phân tích nguyên tố ghép khối phổ tỷ lệ đồng vị EA-IRMS, sắc ký lỏng ghép khối phổ tỷ lệ đồng vị HPLC-IRMS, sắc ký lỏng đầu dò khối phổ LC/MS/MS, sắc ký lỏng đầu dò UV-Vis, sắc ký lỏng đầu dò chỉ số khúc xạ HPLC-RID, khối phổ ghép cặp cảm ứng plasma ICP/MS và LC/ICP/MS,...
Nhờ vậy, doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng dịch vụ xác nhận nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng nông sản bằng khối phổ và phân tích vi sinh – dinh dưỡng để xác định thủy hải sản nuôi hay đánh bắt tự nhiên, thực phẩm hữu cơ hay vô cơ, động vật ăn cỏ hay ngũ cốc,… đáp ứng các tiêu chuẩn nhận dạng, quảng bá và bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm như Chỉ dẫn xuất xứ (Protected Designation of Origin - PDO), Chỉ dẫn địa lý (Protected Geographical Indication - PGI) và Đảm bảo đặc sản truyền thống (Traditional Specialities Guaranteed - TSG) của thị trường quốc tế.
Hoàng Kim (CESTI)