SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá hội chứng chuyển hoá ở nhân viên ngành y tế TP.HCM

Đề tài do các tác giả Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trang Mộng Hải Yên, Lê Huy Hùng (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), Lâm Vĩnh Niên (ĐH Y dược TP.HCM), Lê Nguyễn Trung Đức Sơn (Bộ Y tế Hoa Kỳ, Trung tâm Dinh dưỡng TP), Nguyễn Văn Chuyền (ĐH Nihon Joshi) thực hiện nhằm xác định tỷ lệ hội chứng chuyển hóa và nghiên cứu thêm về các yếu tố liên quan đến hội chứng chuyển hóa trong nhóm đối tượng là nhân viên ngành y tế TP.HCM.

Hội chứng chuyển hoá được tìm hiểu vào thập niên 1960, được Reaven đặt tên là Hội chứng X vào năm 1988 và xác định mối liên quan giữa một số yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch với tình trạng đề kháng insulin phối hợp với tăng insulin máu bù trừ. Tuy nhiên hội chứng chuyển hoá trên nhân viên ngành y tế còn là vấn đề cần được nghiên cứu.
Nghiên cứu tiến hành từ 6/2007-11/2007 với 504 nhân viên y tế từ 10 đơn vị y tế trong mạng lưới y tế TP.HCM và các phương pháp đánh giá các đặc tính cá nhân, xã hội và thói quen, đo lường các chỉ số nhân trắc, xét nghiệm máu, định nghĩa hội chứng chuyển hoá…
Kết quả, 22% nhân viên ngành y tế ở TP.HCM mắc hội chứng chuyển hoá. Tuổi tác, giới tính (nữ), tỷ lệ mỡ cơ thể, vòng hông, lượng cholesterol toàn phần là các yếu tố liên hệ với hội chứng chuyển hoá trong dân số này. Kết quả này cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hoá ở đối tượng nhân viên ngành y tế là tăng cao hơn so với cộng đồng. Vì vậy nên có những nghiên cứu tiếp theo với những khảo sát sâu hơn về chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của nhân viên ngành y tế, qua đó tính được năng lượng cụ thể nhập và tiêu thụ hàng ngày, khảo sát thêm về kiến thức, thái độ, hành vi của nhân viên ngành y tế đối với hội chứng chuyển hoá. Từ đó có thể rút ra những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ hội chứng chuyển hoá ở nhóm đối tượng nhân viên ngành y tế để giúp họ có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Ngoài ra vì hội chứng chuyển hoá và các biến chứng của nó nguy hiểm đến sức khoẻ và là gánh nặng cho chi phí xã hội nên cần chú ý các khuyến cáo sau: nhân viên ngành y tế cần đặc biệt chú ý hơn đến sức khỏe của chính mình; các chương trình tầm soát thường quy, kiểm tra và dự phòng nên được thiết lập không chỉ cho người dân nói chung mà còn cho nhân viên ngành y tế nói riêng.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 2/2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả