Doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất giàn khoan
Trong lĩnh vực Công Thương, thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ sở hữu trí tuệ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập huấn cho cán bộ và phối hợp thanh tra, kiểm tra để phòng, chống gian lận thương mại.
Đặc biệt, các chương trình KH&CN cấp quốc gia đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN), lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn; ưu tiên nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến; thiết kế, chế tạo các sản phẩm có giá trị lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao, thay thế sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Điển hình, như Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải đã làm chủ công nghệ, sản xuất được các loại xe buýt với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, chế tạo ôtô tải nông dụng, ôtô tải nặng và xe chuyên dụng tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40%; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành sản phẩm quốc gia giàn khoan dầu khí tự nâng 120m nước với hàm lượng công nghệ cao và giá trị lớn, góp phần nội địa hóa lên đến 46-47%.
Bên cạnh đó, nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn đã đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, Nhà máy Sản xuất ôtô VinFast đã khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động tháng 6/2019. Đồng thời, một số dự án đã chủ động sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay thế nhập khẩu. Ví dụ, chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất ống thủy tinh y tế công suất 120 triệu sản phẩm/năm với dung tích từ 1-10ml; thiết kế và chế tạo thành công hệ thống lò nung sản xuất than sinh học chất lượng cao tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, công suất 2.000 tấn than/năm; sản xuất thành công máy tách màu phân loại gạo, giúp tăng giá trị của hạt gạo Việt Nam.
|
Các đơn vị nghiên cứu đã chứng tỏ khả năng nắm vững, làm chủ công nghệ thiết kế; xây dựng, thi công công trình nhà máy thủy điện trong nước và hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện những nhà máy thủy điện lớn hơn. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lựa chọn, tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ một số nhóm nhiệm vụ có quy mô lớn thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên. |
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), ngành Công Thương đã chú trọng phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu với lực lượng KH&CN của DN. Nhiều công trình nghiên cứu đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của ngành, đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Điển hình, công trình Thủy điện Sơn La được đánh giá có tỷ lệ khối lượng công việc do Việt Nam tự đảm nhận lớn; trong đó, nhiều công nghệ, biện pháp kỹ thuật mới, tiên tiến do các đơn vị tư vấn, thiết kế, sản xuất thiết bị và thi công đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, tiết kiệm kinh phí. Cụ thể, việc thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công với tổng khối lượng khoảng 43.000 tấn, trong đó các đơn vị trong nước đảm nhận hơn 27.000 tấn, chiếm hơn 62% tổng giá trị thiết bị. Điều đáng lưu ý, với thiết bị siêu trường, siêu trọng, tải trọng lớn, chịu áp lực lớn, hệ thống thủy lực điều khiển với tải trọng nâng đến 700 tấn/cửa van và hành trình hơn 14m, các ống áp lực với đường kính đến 7,5m... là thách thức rất lớn đối với thiết kế, chế tạo trong nước.
Quỳnh Nga