Nông dân sáng tạo vì lợi ích cộng đồng
Ấn tượng đầu tiên về anh Lâm Ngọc Nhâm là sự đam mê, khát vọng, kiên trì và nắm bắt “từng hơi thở của cây tiêu” để tạo ra các sản phẩm mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Tại sự kiện "Chợ phiên khởi nghiệp lần 1 năm 2018" và hội thảo “Đi tìm ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” do Saigon Innovation Hub tổ chức mới đây, Bầu Mây đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm sáng tạo độc đáo từ cây tiêu Bầu Mây, và “ông chủ” của thương hiệu này cũng nhiệt tình chia sẻ về con đường khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp, quá trình đưa thương hiệu Bầu Mây trở thành thương hiệu quốc gia của Việt Nam.
Vốn là người nông dân say mê sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ham học hỏi và có tư duy của một nhà khoa học, anh Nhâm không ngừng trăn trở, suy nghĩ phải làm một điều gì đó cho nông dân và tìm ra loại cây trồng để phát triển ổn định cho gia đình và cộng đồng. Và anh đã thành công với cây tiêu, được mệnh danh là “cha đẻ” của giống tiêu Bầu Mây tại Việt Nam.
Giống tiêu Bầu Mây do anh Nhâm dày công nghiên cứu, ươm tạo và phát triển với những đặc điểm khác biệt: có bộ rễ cái to khỏe gấp 10 lần giống khác, tiêu trưởng thành phân bố mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, năng suất cao từ 10-12 tấn/ha, ổn định qua các năm. Hiện giống tiêu Bầu Mây đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Tiêu Bầu Mây tại Cục Sở hữu trí tuệ, chất lượng hạt tiêu vượt trội được đối tác Nhật Bản,một thị trường khó tính, đánh giá cao. Hàng năm Bầu Mây đều chủ động vùng nguyên liệu, nhân giống và mở rộng diện tích tiêu Bầu Mây; xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ cách trồng và chăm sóc riêng theo hướng hữu cơ; sáng chế nhà màng phơi sấy tiêu hoàn toàn tự nhiên bằng ánh nắng mặt trời sau khi thu hoạch, đem lại hàm lượng dinh dưỡng cao nhất đối với hạt tiêu thành phẩm.
Với sự sáng tạo trong sản xuất, anh xây dựng mô hình trồng cộng sinh cây ngắn ngày để giữ ẩm cho đất đồng thời không phải làm cỏ cho vườn, giảm lượng nước tưới, trồng hoa trong vườn tiêu để thu hút thiên địch có lợi cho vườn; nghiên cứu và chế tạo hệ thống tưới nước và châm phân tự động giá rẻ bằng một nửa so với công nghệ Israel nhưng mang lại hiệu quả cao hơn; triển khai dự án “Tấc đất tấc vàng nhà nông thu ngay bạc tỷ - cộng sinh củ hoài sơn trên diện tích vườn tiêu Bầu Mây” đạt chuẩn quốc tế hướng hữu cơ năm 2018 và mang lại lợi ích kinh tế (củ hoài sơn còn gọi là củ mài, là vị thuốc bổ mang nhiều lợi ích cho sức khỏe, một trong những thảo dược quý cho bệnh nhân tiểu đường).
Anh Nhâm cho biết, với mong muốn góp phần đưa tiêu Việt Nam trở lại là cây tỷ đô, nâng giá trị cây tiêu lên một tầm cao mới, Bầu Mây đã xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất – kinh doanh gắn với xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu Bầu Mây từ trồng trọt, gắn liền với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với các hoạt động du lịch nông nghiệp. Nhờ đó, Bầu Mây được biết đến không chỉ là một mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững mà còn giải quyết công ăn việc làm người cho người lao động trong vùng, mang lại cho người nông dân cuộc sống có chất lượng tốt hơn.
Bộ sản phẩm thương hiệu Bầu Mây cung cấp đến người tiêu dùng hiện nay gồm: nước chấm, tiêu xanh muối, tiêu không hạt, tiêu đỏ, tiêu đen, tiêu xanh, củ hoài sơn,… Trong đó, tiêu không hạt Bầu Mây là một sản phẩm sáng tạo độc đáo, được xem như “tủ thuốc gia đình di động”, thuận tiện sử dụng. Chỉ cần sử dụng 1 đến 3 hạt (ăn trực tiếp hoặc ngậm như ngậm kẹo) sẽ giúp chống lại cơn buồn ngủ, tỉnh táo, sảng khoái cho tài xế khi lái xe, nhân viên văn phòng làm việc mệt mỏi, mất tập trung, học sinh và sinh viên ôn bài áp lực cao,…,bên cạnh đó, sản phẩm còn có tác dụng chống say tàu xe, đầy hơi, ho; chống nôn ói, chướng bụng, đau bụng tiêu chảy, đau dạ dày, lạnh, cảm lạnh, làm ấm bụng, giúp bài tiết độc tố, cải thiện hệ tiêu hóa,…
Đặc điểm nổi bật của các sản phẩm thương hiệu Bầu Mây là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P.; là thương hiệu nông sản sạch hữu cơ của Việt Nam, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị và hàm lượng dinh dưỡng cao; áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn ISO 22000, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử gắn với bộ nhận diện thương hiệu Bầu Mây; cùng nhiều chứng nhận chất lượng, giải thưởng, bằng khen, giấy khen của các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương.
Khởi nghiệp cần đam mê, kiên trì và không sợ thất bại
Anh Lâm Ngọc Nhâm chia sẻ, khởi nghiệp trong nông nghiệp cái khó đầu tiên là thời gian, bởi khi có ý tưởng, người khởi nghiệp cần hội đủ sự đam mê và kiên trì để nghiên cứu thử nghiệm, thử nhiều lần cho đến khi thành công. Nông nghiệp đòi hỏi thời gian rất dài theo mùa vụ và loại cây trồng mới tạo ra được sản phẩm và người khởi nghiệp phải theo đuổi trong suốt thời gian này. Tiếp đến là phải chuẩn bị vốn đầu tư đủ để yên tâm nghiên cứu theo đuổi đam mê, thử nghiệm sản phẩm cho đến khi hoàn thiện và đưa ra thị trường. Mặt khác, ý tưởng dự án phải khác biệt, sản phẩm phải sáng tạo và bản thân người khởi nghiệp cần lập kế hoạch mục tiêu rồi thực hiện từng bước để đạt được. Kinh nghiệm của nhà sáng lập Bầu Mây là muốn khởi nghiệp nông nghiệp thành công là đừng sợ thất bại, hãy luôn kiên trì nghĩ tới mục tiêu và ước mơ lớn mà mình muốn đạt được.
Với Bầu Mây, để có thành quả như hôm nay, bản thân người sáng lập đã theo đuổi con đường thực nghiệm, nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo suốt hơn 20 năm. Là một nông dân sinh ra ở Tuyên Quang, anh Nhâm chuyển vào sinh sống tại ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bắt đầu con đường khởi nghiệp tại đây cùng gia đình. Nhận thấy Bà Rịa - Vũng Tàu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai tốt cho phát triển cây trồng, nhất là cây tiêu, cùng những bài học kinh nghiệm của bản thân và các tổ chức cá nhân đã khởi nghiệp (cả thất bại và thành công), anh đã lựa chọn được hướng đi đúng cho Bầu Mây. Nhờ vậy, Bầu Mây đã sớm xây dựng được chuỗi giá trị nông sản gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Đây chính là con đường khởi nghiệp sáng tạo mang lại giá trị cao, đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thành công.
Hiện tiêu Bầu Mây đã chính thức được thị trường Nhật Bản đón nhận sau khi trải qua quá trình kiểm duyệt và kiểm soát, thông quan nghiêm ngặt. Sản phẩm đã xuất bán trực tiếp với giá 68 USD/kg tiêu tươi xanh, 100 USD/kg tiêu đỏ, 1.000 USD/kg tiêu không hạt,… Đồng thời cũng xuất đi các thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như Mỹ, EU, Dubai với mức gấp nhiều lần so với giá bán trong nước, được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Trong năm 2017, Công ty Bầu Mây đã cung cấp ra thị trường 150 tấn tiêu, doanh thu 25 tỷ đồng; năm 2018 dự kiến tiêu thụ 250 tấn, doanh thu 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhà sáng lập Bầu Mây cũng luôn trăn trở làm thế sao để ngay khi bắt đầu ý tưởng (hoặc dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp) có thể được đào tạo và huấn luyện để mở rộng kết nối với những lĩnh vực liên quan, từ đó người khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi để đầu tư vào sản xuất tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao. Do vậy, vai trò của cộng đồng startup và việc kết nối hỗ trợ của các tổ chức nhà nước là rất quan trọng, giúp thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp nhanh hơn, tạo được sự yên tâm cho người khởi nghiệp tập trung vào mục tiêu của mình.
Lam Vân (CESTI)