Nghiên cứu gen kháng rầy nâu trên hai loài lúa hoang (Oryza. Rufipogon và Oryza. Officinalis) tại Việt Nam
19/02/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL), GS.TS. Bùi Chí Bửu (Viện KHKT Nông Nghiệp Miền Nam) và các tác giả Trần Quang Tuấn, Trịnh Thị Lũy thực hiện nhằm đánh giá mức độ đa dạng di truyền trên quần thể làm nguồn vật liệu ban đầu phục vụ cho công tác tạo giống kháng rầy nâu, kháng sâu bệnh…
Trong tình hình hiện nay, việc chọn giống kháng là con đường hiệu quả nhất trong quản lý dịch hại rầy nâu, kết hợp với biện pháp quản lý tính kháng rầy nâu ổn định trên đồng ruộng. Các loài lúa hoang dại là nguồn gen quan trọng để lai tạo các giống lúa có tính kháng sâu bệnh. Vì vậy nghiên cứu gen kháng rầy nâu trên hai loài lúa hoang tại Việt Nam (Oryza. Rufipogon và oryza. Officinalis - ) là rất cần thiết.
Nghiên cứu tiến hành với vật liệu là 100 quần thể Oryza. Rufipogon và Oryza. Officinalis, hai giống làm đối chứng là TN (giống chuẩn nhiễm) và PBT 33 (giống chuẩn kháng); phương pháp thanh lọc rầy nâu theo tiêu chuẩn của IRRI.c1998…
Kết quả cho thấy, quần thể O. Officinalis cho khả năng kháng rầy nâu hơn nhóm O. Rufipogon ở cả hai giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Dựa vào kỹ thuật đánh dấu bằng marker phân tử, chúng ta có thể khai thác tiềm năng nguồn gen kháng rầy nâu và các nguồn gen khác phục vụ cho chương trình chọn tạo giống. Quần thể O. Officinalis phản ứng với rầy nâu: cấp 0: 1 quần thể, cấp 1: 47 quần thể, cấp 3: 2 quần thể. Quần thể O. Rufipogon phản ứng với rầy nâu: cấp 1: 5 quần thể, cấp 3: 33 quần thể, cấp 5: 10 quần thể, cấp 7: 1 quần thể, cấp 9: 1 quần thể. Dựa vào kiểu băng của marker phân tử liên kết với gen mục tiêu nằm trên nhiễm sắc thể, chúng ta có thể đánh giá gián tiếp sự hiện diện hay sự vắng mặt của gen kháng rầy nâu. Do vậy sự chọn lọc dựa trên các marker phân tử không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường bên ngoài so với việc chọn lọc thông qua kiểu hình. Với marker RM270, quần thể O. Officinalis thể hiện sự đa hình đạt 86,9%, chưa ghi nhận tách được trên quần thể O. Rufipogon.
LV (nguồn: Tạp Chí Nông Nghiệp & Phát Triển Nông thôn, số 19/2007)