Hiệu quả điều trị nội tiết tố ở phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh
28/07/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do Trường ĐH Y dược TP.HCM chủ trì và PGS.TS Nguyễn Duy Tài là chủ nhiệm, vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu ngày 24/7.
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh là rất quan trọng. Bước vào tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, người phụ nữ phải chịu nhiều thay đổi sinh lý khó chịu gây ra bởi sự suy yếu và mất dần chức năng hoạt động nội tiết của buồng trứng… Tình trạng thiếu hụt estrogen với những biểu hiện bất ứng của nó gây đến các triệu chứng rối loạn vận mạch, rối loạn tâm lý, rối loạn niệu – dục… hiện nay đã được khắc phục bằng nội tiết tố ngoại sinh, tuy nhiên cũng đã có khuyến cáo về nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung khi dùng nội tiết tố kết hợp giữa estrogen và progestin…
Đề tài thực hiện nhằm xác định hiện trạng sử dụng nội tiết tố thay thế ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh về đặc điểm nhân khẩu xã hội học, đặc điểm điều trị; xác định hiệu quả làm giảm các triệu chứng của liệu pháp nội tiết tố; các tác dụng ngoại ý, đặc biệt là sự thay đổi nhũ ảnh, qua đó làm rõ việc sử dụng nội tiết tố điều trị cho phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh tại TP.HCM.
Qua nghiên cứu với 1235 phụ nữ quanh mãn kinh tại TP.HCM có chỉ định sử dụng nội tiết tố đến khám tại bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Hùng Vương từ 1/2006 – 12/2007 cho thấy, tuổi trung bình là 51 ± 4,8, tuổi thấp nhất là 45, tuổi cao nhất là 77, chủ yếu ở vào khoảng 46-55 tuổi. Bước đầu ghi nhận gần 90% các đối tượng được chỉ định sử dụng nội tiết tố vì các triệu chứng rối loạn vận mạch (bốc hỏa, vã mồ hôi, hồi hộp, khó ngủ), trong đó triệu chứng bốc hỏa chiếm tỷ lệ cao nhất (63,2%). Các rối loạn tâm lý (cáu gắt, mệt mỏi) cũng chiếm tỷ lệ khá cao, kế đến là rối loạn sinh dục (giao hợp đau). Các triệu chứng rối loạn vận mạch cải thiện rất tốt sau 6 tháng điều trị. Trong đó nhóm sử dụng nội tiết tố điều trị loại phối hợp (estrogen + progestin) có hiệu quả tốt nhất, nhóm thảo dược có hiệu quả thấp nhất. Nội tiết tố điều trị đường uống có giá trị hơn đường đặt âm đạo trong cải thiện các triệu chứng bốc hỏa và khó ngủ. Về tác dụng phụ của nội tiết tố thay thế, trong nghiên cứu này không thấy có trường hợp xuất hiện tăng sinh nội mạc tử cung hay ung thư nội mạc tử cung. Các rối loạn chủ yếu xảy ra trên kết quả nhũ ảnh (2,2% các trường hợp có nhũ ảnh bất thường dưới dạng tăng đậm độ mô tuyến vú, nguy cơ này ở nhóm dùng kết hợp nhiều hơn là nhóm dùng estrogen đơn thuần). Do đó, việc theo dõi nhũ ảnh ở các đối tượng này nên được kiểm tra thường quy và định kỳ nhằm phát hiện sớm những bất thường ở tuyến vú sau liệu pháp nội tiết tố điều trị. Nội tiết tố điều trị chứa estrogen đơn thuần nên được chọn lựa hơn so với nhóm thuốc có chứa progestin.
Tuy nhiên, theo hội đồng nghiệm thu, 2,2% trường hợp có bất thường ở nhũ ảnh là chưa đủ cơ sở chính xác cho việc kết luận dùng nội tiết tố thay thế có tác dụng phụ hay không, tác dụng phụ như thế nào… do đó, cần có những nghiên cứu sâu hơn, dài hơi hơn về tác dụng phụ của nội tiết tố thay thế, nhất là nguy cơ gây ung thư vú như đã có thông tin khuyến cáo. Tác giả đề tài cũng cho biết việc nghiên cứu về tác dụng phụ của nội tiết tố thay thế là tương đối khó khăn vì phụ thuộc vào sự tự nguyện (số lượng và thời gian uống thuốc - ) của bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Khi theo dõi được số lượng bệnh nhân ổn định, tác giả sẽ đăng ký những nghiên cứu tiếp theo và có những khuyến cáo về tác dụng phụ của nội tiết tố điều trị.
Lam Vân