Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trao hoa cho nhóm bác sĩ đoạt giải
với sáng kiến "Xạ trị định thân (SBRT) ung thư đầu cổ bằng máy gia tốc".
Một trong những giải pháp, sáng tạo được nhắc đến trước tiên là "Quy trình báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch" của Bệnh viện Nhi Ðồng 1. Vào tháng 10-2014, một tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra trên quốc lộ 91 (tỉnh An Giang) khiến bé N.Q.H. văng khỏi bụng mẹ từ một người mẹ đang mang thai. Bé nhập viện trong tình trạng dọa sốc với chân phải đứt lìa. Trước tình trạng người bệnh nguy cấp, Bệnh viện Nhi Ðồng 1 lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ, toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng kíp hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan có mặt ngay tại phòng mổ. Tất cả khẩn trương vừa hồi sức, vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu cho bé N.Q.H. Nhờ đó, bé H. qua cơn nguy kịch đầu tiên. Nhiều bệnh nhi trong cơn nguy kịch được tái sinh nhờ quy trình báo động đỏ. Báo động đỏ nội viện và liên viện đã được Bộ Y tế đưa vào Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam, xem đây là một trong những tiêu chí chất lượng bắt buộc trong cấp cứu người bệnh mà các bệnh viện trong cả nước cần phải đạt được.
Một sáng kiến hữu ích tiếp theo là "Xạ trị định thân (SBRT) ung thư đầu cổ bằng máy gia tốc" của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cũng được nhận Giải thưởng Sáng tạo năm 2019. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM Lê Anh Tuấn, với SBRT, liều xạ mỗi lần thường rất cao, tập trung vào bướu nhưng ít ảnh hưởng đến mô bướu lành chung quanh, tiên lượng điều trị hiệu quả cao, ít biến chứng. Kỹ thuật xạ trị này được chỉ định cho những trường hợp người bệnh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và trường hợp tái phát có kích thước bướu nhỏ. Hệ thống thiết bị hỗ trợ này có thể tự dò tìm vị trí chuyển động của bướu để phát tia xạ trị một cách chính xác vào đúng vị trí bướu, giảm bớt thể tích xạ trị vào những cơ quan khác, chung quanh bướu; qua đó cho phép người bệnh xạ trị ở tư thế bình thường với những cử động sinh lý quan trọng (như nhịp thở, nhịp tim, chuyển động của bụng, tưới máu mô….) mà vẫn đạt mức độ chính xác và hiệu quả xạ trị cao hơn so với những kỹ thuật xạ trị trước đây. Bác sĩ Lâm Ðức Hoàng, đồng chủ nhiệm đề tài, cho biết: "Với kỹ thuật này, người bệnh là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Thay vì phải trải qua cuộc điều trị kéo dài 25 đến 30 lần như trước đây, thì nay người bệnh chỉ cần nhận điều trị từ một đến sáu lần xạ trị (tùy liều xạ và các yếu tố cơ quan lành) là đã có thể đạt đến mức kiểm soát bướu. Do đó, người bệnh sẽ giảm được chi phí do điều trị và các chi phí liên quan như sinh hoạt, chăm sóc, đi lại".
Sáng kiến "Hệ thống Webgis quản lý bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố" là của Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. Từ tháng 4-2017 đến nay, Webgis đã trở thành công cụ không thể thiếu trong công tác phòng dịch từ tuyến cơ sở đến cấp quản lý cao nhất nhờ sự thống nhất, nhanh chóng, kịp thời và chính xác trong thông tin ca bệnh. Ðã có 47.000 ca bệnh được ghi nhận trong hơn 1.000 ngày sử dụng. Ðây chính là nền tảng để y tế dự phòng tối ưu hóa chức năng của mình, không những vậy, Webgis còn hỗ trợ xác định ổ dịch, phân tích và dự báo tình hình dịch bệnh trên bản đồ trực tuyến. Từ quản lý sốt xuất huyết, Webgis sẽ được phát triển để thông tin và quản lý các dịch bệnh khác tại TP.HCM như tay chân miệng. Hiệu quả phòng dịch bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM sẽ được nâng cao khi Webgis không chỉ có mặt tại toàn bộ 319 trạm y tế phường, xã mà còn kết nối với 79 bệnh viện trên địa bàn.
Theo Ban Tổ chức giải thưởng, một giải pháp đáng nhân rộng ra các tỉnh lân cận nhằm giải tỏa áp lực "quá tải" cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời tận dụng thời gian vàng để cứu sống người bệnh là "Hệ thống Trạm cấp cứu 115 vệ tinh". Hiện, Sở Y tế thành phố đã có 31 trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ địa bàn đặt tại các bệnh viện đa khoa quận, huyện, bệnh viện tư nhân làm tăng cơ hội vàng cứu sống nhiều người bệnh hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của người dân thành phố. Gần đây, ngành y tế còn có những cải tiến tích cực trong hoạt động cấp cứu ngoại viện. Ðầu tháng 11-2018, thành phố thí điểm cấp cứu bằng xe máy 2 bánh tại Trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, nay đã có thêm Trạm cấp cứu của bệnh viện Quận 2, Quận 4 và Thủ Ðức, trang bị thêm xe cấp cứu 2 bánh. Hiện, Trung tâm Cấp cứu TP.HCM đang thử nghiệm hệ thống điều hành cấp cứu thông minh, Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo chuyên viên cứu thương theo hướng paramedic.
Tân Thanh