Chất giữ ẩm “CH” giúp làm giảm lượng nước tưới cho cây trồng
04/10/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trước tình hình khô hạn do sự biến đổi khí hậu, PGS. TS Nguyễn Cửu Khoa cùng nhóm nghiên cứu Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu thành công chất giữ ẩm “CH” với các nguồn nguyên liệu rẻ tiền, dễ phân hủy và sẵn có tại Việt Nam nhằm góp phần giảm lượng nước tưới cho cây trồng trong nông nghiệp và ứng biến với biến đổi khí hậu.
Thử nghiệm trên cây bông vải ở Gia lai 2007
Chất giữ ẩm “CH” được tổng hợp bước đầu trên cơ sở các chất nền gồm acid acrylic, tinh bột, chất tạo liên kết ngang DEG-DAA và chất khơi mào tạo thành sản phẩm nhưng sản phẩm nhanh phân hủy nên chỉ ứng dụng chống hạn cho cây trồng ngắn ngày.
Với định hướng tổng hợp chất giữ ẩm “CH” giúp cây trồng vượt qua mùa hạn đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, gió bầu… nhóm nghiên cứu tiếp tục tổng hợp chất giữ ẩm trên cơ sở các nguyên liệu khác gồm acid acrylic, bột gỗ mùn cưa hoặc tinh bột, chất tạo liên kết ngang DEG – DAA và chất khơi mào ghép mạch để tạo sản phẩm (CH03, CH06 và CH24). Các chất này có nhiều cấp độ phân hủy khác nhau nên phù hợp với khá nhiều loại cây trồng. Theo đó, chất hút nước giữ ẩm CH03 và CH06 được ứng dụng chủ yếu cho cây trồng ngắn ngày như rau, bắp, bông vải, mía… Chất hút nước giữ ẩm CH24 được ứng dụng cho cây trồng lâu năm và cây công nghiệp như mít, xoài, quýt, điều cà phê…
Chất giữ ẩm “CH” được bón vào trong đất có tác dụng hút giữ nước với khối lượng từ 200 – 600 lần vật liệu nền để cung cấp nước từ từ cho cây trồng. Khi lượng nước trong chất giữ ẩm đã được tiêu hao hết, chất giữ ẩm trở lại trạng thái gần giống như ban đầu, sau đó hút nước trở lại khi gặp mưa hoặc nguồn nước tưới. Lượng chất giữ ẩm đối với cây ngắn ngày sử dụng CH03 hoặc CH06 với liều lượng khoản từ 50 – 60 kg/ha. Đối với cây lâu năm và cây công nghiệp sử dụng chất giữ ẩm CH24 hoặc với liều lượng khoản từ 30 – 50 kg/ha.
Đến nay, sau quá trình triển khai ứng dụng và thử nghiệm chất giữ ẩm trên các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh… đã cho thấy kết quả khả quan khi sử dụng với các loại cây trồng khác nhau. Chất giữ ẩm làm giảm được 30 – 50% lượng nước tưới cho cây trồng, giảm chi phí chăm sóc cây và góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp. Cụ thể đối với các loại cây bắp, bông, mía, góp phần làm tăng lợi nhuận từ 3 – 7 triệu đồng/ 1ha; đối với các loại cây cà phê, xoài, quýt, mít… góp phần làm tăng lợi nhuận từ 3 – 10 triệu đồng/ 1ha.
Nguồn: Khoa học Phổ thông